Nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh hay bị đau lưng?


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2020-03-05 11:10:31

Đau lưng sau sinh là chứng bệnh gây ra nhiều cản trở khi chăm sóc con nhỏ của chị em phụ nữ. Vậy vì sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng? Cách khắc phục tình trạng này thế nào? Chị em có thể khắc phục tại nhà hay không?

1. Tại sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng?

1.1. Nguyên nhân xuất phát từ trong thời kỳ mang thai

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những biến đổi về nội tiết, thể chất, sinh lý… trong thời kỳ mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau lưng ở phụ nữ sau sinh.

  • Tử cung

Cùng với sự phát triển của em bé, tử cung của người mẹ cũng lớn dần theo thời gian. Sự thay đổi kích thước của tử cung và em bé khiến cho cơ bụng bị yếu, phần lưng chịu nhiều lực hơn ảnh hưởng đến hình dáng cột sống và các cơ – dây chằng ở lưng. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng đau lưng ở phụ nữ sau sinh.

  • Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai

Hormone relaxin được tiết ra trong thời gian mang thai có tác dụng thư giãn dây chằng và khớp nối vùng xương chậu, giúp các khớp lỏng hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở của người mẹ. Tuy nhiên, tác động này cũng khiến cơ thể mẹ trở nên yếu và dễ bị đau nhức lưng, chân khi phải đứng lâu, đi lại nhiều hay khi nằm, ngồi trong thời gian dài sau khi sinh.

Thông thường, đau lưng do nội tiết sẽ kết thúc sau khoảng 3 – 4 tháng mẹ sinh em bé.

  • Loãng xương
Mật độ Canxi suy giảm gây loãng xương khiến phụ nữ sau sinh bị đau lưng

Mật độ Canxi suy giảm gây loãng xương khiến phụ nữ sau sinh bị đau lưng

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết, thời kỳ mang thai cơ thể mẹ phải cung cấp Canxi để phát triển hệ xương và cơ thể của thai nhi.

Trường hợp, chế độ dinh dưỡng của mẹ không đáp ứng được nhu cầu Canxi của con và các hoạt động của cơ thể, quá trình hủy xương sẽ được kích hoạt để huy động Canxi từ xương ra. Tình trạng này khiến cho mật độ Canxi trong xương bị suy giảm, cột sống yếu và dễ gặp phải tình trạng đau nhức, mỏi lưng.

1.2. Tăng cân

Cân nặng tăng từ 10 – 20 kg trong thời kỳ mang thai nhiều làm tăng sức ép lên cột sống. Mặt khác, các khớp – cơ – dây chằng ở vùng lưng bị giãn quá mức là nguyên nhân khiến mẹ sau sinh dễ bị đau lưng hơn.

1.3. Dãn dây chằng sinh lý

Sau khi sinh, các dây chằng tại vị trí như xương chậu, thắt lưng còn “lỏng lẻo”. Do đó, các cơn đau lưng sẽ xuất hiện thường xuyên đến khi trương lực cơ của cơ bắp dần ổn định và dây chằng phục hồi độ đàn hồi như bình thường.

1.4. Yếu tố tâm lý

Tâm lý bất ổn lúc mang thai cũng gây ra cơn đau lưng sau sinh

Tâm lý bất ổn lúc mang thai cũng gây ra cơn đau lưng sau sinh

Tâm lý lo lắng, hồi hộp trong thời gian mang thai khiến cho các cơ bắp của các mẹ bị căng cứng. Điều này diễn ra trong thời gian dài khiến cho vùng lưng của các bà mẹ luôn có cảm giác nặng nề, mệt mỏi.

Mặt khác, sau sinh khi sinh, các mẹ bị căng thẳng, trầm cảm sẽ ít vận động hơn làm cơ thể chậm phục hồi, tích tụ các yếu tố độc hại và khiến cơn đau xuất hiện thường xuyên.

1.5. Chế độ dinh dưỡng thiếu dưỡng chất

Phụ nữ sau sinh bị đau lưng vì thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là Canxi là nguyên nhân hàng đầu. Việc thiếu hụt Canxi ở phụ nữ sau sinh có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, giòn xương, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp như thoái hóa hay thoát vị….

Ngoài ra, mẹ không đủ Canxi cũng là nguyên nhân khiến con bị thiếu Canxi dẫn đến tình trạng quấy khóc, còi cọc, chậm lớn, thấp lùn…. Do đó, các mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Theo các bác sĩ, lượng Canxi mà mẹ cho con bú cần bổ sung mỗi ngày là khoảng 1300mg.

Các mẹ có thể bổ sung qua một số thực phẩm giàu Canxi như: Tôm, cua, cá, sữa, đậu, nấm, hàu, ngao, sò….

1.6. Sai tư thế

Vì sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng? Tư thế hoạt động sai là nguyên nhân dễ xảy ra mà mẹ ít chú ý. Nó làm ảnh hưởng đến các khớp, căng cơ hoặc giãn dây chằng khiến mẹ bị đau lưng

  • Sai tư thế khi cho con bú

Đa số các mẹ đều lựa chọn tư thế ngồi góc 90 độ khi cho con bú. Tư thế này không chỉ làm tăng áp lực lên cột sống dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm mà còn khiến mẹ dễ bị nứt cổ gà và em bé dễ bị trào ngược sau khi bú hơn.

Theo các bác sĩ, tư thế đúng cho mẹ khi cho bé bú là ngả lưng một góc 125 độ. Tư thế này sẽ giúp lực ép dồn vào phần trước của đĩa đệm và giúp mẹ giải tỏa các cơn đau lưng hiệu quả.

  • Sai tư thế trong cách nằm ngủ
Tư thế ngủ đúng cách của mẹ bầu là nằm nghiêng một bên và có gối kê chân

Tư thế ngủ đúng cách của mẹ bầu là nằm nghiêng một bên và có gối kê chân

Khi mang bầu, trọng lượng cơ thể mẹ thay đổi khiến cho áp lực lên cột sống, vùng thắt lưng tăng lên đáng kể. Do vậy, lúc ngủ là thời điểm quan trọng để giải tỏa bớt áp lực cho cột sống. Nếu mẹ lựa chọn sai tư thế ngủ sẽ khiến cột sống tiếp tục bị căng cứng, tổn thương và dẫn đến những cơn đau lưng sau khi sinh.

Tư thế ngủ được khuyến cáo cho mẹ bầu là nằm nghiêng về bên trái và có kê gối đỡ ở chân. Cột sống đỡ bị chèn ép sẽ giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn.

  • Thói quen ngồi gập người

Khi ngồi gập người, phần cổ và cơ bắp của mẹ sẽ bị căng mỏi, áp lực dồn lên đốt sống ở vùng thắt lưng. Do đó, mẹ nên chủ động đứng dậy đi lại nhẹ nhàng sau khoảng mỗi 30 phút ngồi làm việc.

1.7. Gây tê vùng cột sống

Rất nhiều phụ nữ sau sinh cho rằng, cơn đau nhức lưng họ gặp phải là do biến chứng của gây tê tủy sống trong lúc sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, gây tê ngoài màng cứng rất ít khi tạo ra những cơn đau lưng sau sinh.

Biến chứng của gây tê tủy sống phổ biến nhất là run, ngứa và hạ huyết áp. Cảm giác đau lưng tại vị trí chọc kim sẽ hết ngay sau vài ngày khi vết kim liền sẹo.

Do vị trí gây tê nằm ngay vị trí thắt lưng nên nhiều bà mẹ cho rằng cơn đau của mình là do biến chứng của việc gây tê mà không biết nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen và biến đổi trong thời kỳ mẹ mang thai.

1.8. Các bệnh lý xương khớp

Vì sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng? - Do mắc các bệnh lý về xương khớp

Vì sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng? – Do mắc các bệnh lý về xương khớp

Nguyên nhân từ bệnh lý xương khớp cũng cần được chú ý và thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm. Bao gồm:

  • Thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ.
  • Thoát vị đĩa đệm.
  • Trật khớp cột sống.
  • Hẹp gian đốt sống.
  • Gù, vẹo cột sống….

1.9. Làm việc quá sức

Cơ thể bà mẹ sau sinh chưa ổn định và còn rất yếu. Vậy nên, nếu mẹ không được nghỉ ngơi đầy đủ mà phải làm việc quá sức sẽ làm tổn thương hệ thống cơ – xương – khớp, các dây chằng và gây ra những cơn đau lưng.

1.10. Đau lưng sau sinh do viêm

Quá trình viêm có thể xuất hiện do các khớp, dây chằng tại vị trí xương chậu, cột sống bị lỏng lẻo. Tình trạng viêm xảy ra kéo theo các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau khiến người bệnh nhận biết được cần giải quyết triệu chứng đau nhức mình đang gặp phải.

Thông thường, khi cơn đau xuất hiện, người bệnh có xu hướng tránh tác động lên trên vùng đau. Tuy nhiên, điều này lại khiến cơn đau nặng thêm đặc biệt ở giai đoạn cuối sinh và phục hồi sau sinh.

1.11. Nguyên nhân khác

Bên cạnh một số nguyên nhân phổ biến như trên thì bà mẹ sau sinh cũng có thể bị đau lưng do một số nguyên nhân khác như:

  • Cơ thể chưa phục hồi sau sinh, khí huyết không đủ.
  • Nhiễm lạnh.
  • Đi giày cao gót.
  • Nằm đệm quá cũ, bị lún sâu, mềm.

Trên thực tế, cơn đau lưng sau sinh là hiện tượng sinh lý khá phổ biến sau khi các mẹ trải qua thời gian “mang nặng đẻ đau”. Tình trạng đau thường kéo dài khoảng 3 – 4 tháng và sẽ tự hết sau khi mẹ nghỉ ngơi và điều dưỡng cơ thể hợp lý. Tuy nhiên, với các mẹ sinh mổ thì cơn đau nhức lưng sẽ có một số điểm khác biệt như:

  • Thời gian đau lưng nhiều hơn so với phụ nữ sau sinh thường
  • Sinh mổ cơn đau có thể tái phát khi giao mùa, thời tiết thay đổi

Trường hợp các mẹ có cơn đau chuyển dạ kéo dài, nặng nề hay cơn đau nặng xuất hiện trong quá trình mang thai, hoặc bắt đầu trong thai kỳ sẽ có nguy cơ đau lưng dai dẳng sau sinh rất cao. Mẹ thực hiện các giải pháp phù hợp để giảm bớt cơn đau khó chịu.

2. Cách giải quyết đau lưng sau sinh

Thực phẩm cho phụ nữ sau sinh đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng tốt cho mẹ

Thực phẩm cho phụ nữ sau sinh đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng tốt cho mẹ

Để hạn chế tác động của cơn đau lưng sau sinh lên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, các mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là nhóm chất tốt cho xương khớp gồm: Vitamin D – Vitamin K – Canxi
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh hay công việc nặng nhọc
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress kéo dài
  • Thực hiện xoa bóp, massage vùng lưng để giảm nhẹ triệu chứng
  • Thực hiện phục hồi chức năng cho vùng lưng nếu cảm thấy cần thiết
  • Dành thời gian tập luyện các bài tập tốt cho phụ nữ sau sinh.

Để tình trạng đau lưng sau sinh được cải thiện tốt nhất, các mẹ cần xây dựng và duy trì những thói quen sống khoa học. Hy vọng với những chia sẻ trên các mẹ sẽ hiểu đúng về nguyên nhân vì sao phụ nữ sau sinh bị đau lưng và tìm được cách điều trị, giải quyết hợp lý nhé.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Các tin cùng chuyên mục: