Người sau khi phẫu thuật và 10 câu hỏi xoay quanh


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2020-02-11 21:14:02

Người sau khi phẫu thuật cần có chế độ chăm sóc cơ thể như thế nào để mau hồi phục? Từ chế độ dinh dưỡng, cách sinh hoạt, vận động đến những thực phẩm cần tránh. Những chia sẻ từ chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.

1. Chế độ dinh dưỡng của người sau khi phẫu thuật

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp người sau phẫu thuật hồi phục nhanh chóng

Chế độ dinh dưỡng khoa học, đa dạng giúp người sau phẫu thuật hồi phục nhanh chóng

Chào bác sĩ, hiện tại tôi sắp làm phẫu thuật. Tôi muốn biết sau khi phẫu thuật nên ăn uống như thế nào để cơ thể nhanh hồi phục? Mong bác sĩ giải đáp, tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Sau phẫu thuật, sức khỏe cơ thể sẽ bị yếu đi, đồng thời, quá trình gây mê, gây tê trước đó còn dẫn đến sự liệt kê khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và kích hoạt hệ thống tiêu hóa. Đối với mỗi loại phẫu thuật thì có chế độ dinh dưỡng khác nhau như:

Người phẫu thuật có can thiệp vào đường tiêu hóa: Dinh dưỡng sẽ được truyền vào cơ thể thông qua tĩnh mạch ngay sau khi mổ. Sau khi người bệnh đánh hơi được thì cho ăn thức ăn lỏng với số lượng tăng dần. Mức độ rắn của thức ăn cần được nâng lên từ từ.

Người sau phẫu thuật không có can thiệp vào đường tiêu hóa: Cần truyền dịch vào ngày đầu tiên sau khi mổ. Sau mổ 1 ngày, có thể cho người bệnh ăn sữa, cháo… Sau khi đánh hơi được có thể cho ăn chế độ như bình thường với các thực phẩm dễ hấp thu.

Xem thêm: Mách bạn thực đơn cho người sau phẫu thuật

2. Cách sinh hoạt, tư thế nằm

Sau phẫu thuật người bệnh nên nằm thẳng hoặc nghiêng

Sau phẫu thuật người bệnh nên nằm thẳng hoặc nghiêng

Thưa bác sĩ, sau khi phẫu thuật xong, người bệnh có phải lưu ý gì trong tư thế sinh hoạt và tư thế nằm không?

Trả lời:

Việc di chuyển sớm sau phẫu thuật có tác dụng giúp lưu thông máu và loại bỏ khí thừa trong bụng. Để hạn chế các cơn đau sau phẫu thuật và tránh làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác, người bệnh cần thực hiện tư thế nằm và sinh hoạt đúng cách:

  • Tư thế nằm ngủ: Nên ngủ với tư thế nằm thẳng. Sử dụng một chiếc gối mềm để đỡ đầu và cổ, đặt một chiếc gối ngay dưới khuỷu chân để tạo độ cân bằng. Bạn cũng có thể sử dụng thêm một chiếc khăn mỏng ở khu vực xung quanh eo để tăng cảm giác thoải mái. Trong khi nằm nghiêng, nên đặt ở giữa hai chân một chiếc gối và sử dụng thêm công cụ để hỗ trợ phần eo và cổ.
  • Tư thế khi ngồi dậy: Người bệnh dùng lực từ hai cánh tay để nâng người lên và hạ thấp chân. Tránh vặn lưng hoặc vặn cơ thể. Nếu rời giường trong lần đầu tiên sau khi phẫu thuật, cần có sự hỗ trợ của người khác.
  • Tư thế khi lên giường: Khi lên giường, người bệnh ngồi ở cạnh giường và từ từ dùng hai cánh tay để nhấc người lên giường. Hạ người xuống và chú ý không vặn cơ thể.

3. Chăm sóc vết thương bị khâu cho người sau khi phẫu thuật

Chăm sóc vệ sinh vết mổ hàng ngày tránh viêm nhiễm

Chăm sóc vệ sinh vết mổ hàng ngày tránh viêm nhiễm

Vết thương sau phẫu thuật nên được chăm sóc như thế nào cho đúng cách? Người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà hay không, thưa bác sĩ?

Trả lời:

Người bệnh chỉ nên thực hiện làm sạch khu vực vết mổ nếu được các bác sĩ cho phép. Các bước chăm sóc vết thương bị khâu như sau:

  • Bước 1: Làm sạch tay với nước xà phòng và lau khô tay với khăn sạch.
  • Bước 2: Sử dụng một đôi găng tay mới.
  • Bước 3: Dùng gạc sạch và nước ấm hoặc nước muối sinh lý để nhẹ nhàng làm sạch xung quanh vết mổ. Loai bỏ các chất liệu khô như da chết xung quanh. Lấy miếng gạc làm sạch từ vùng gần vết mổ nhất và từ từ hướng ra ngoài. Thay gạc thường xuyên.
  • Bước 4: Để khu vực vết mổ được khô tự nhiên. Khi vết mổ khô thì kiểm tra xem có bị tuột chỉ hoặc hở, chảy máu, sưng hay không.
  • Bước 5: Loại bỏ các dụng cụ dùng 1 lần và bỏ vào thùng rác.

Lưu ý: Trước khi chăm sóc và vệ sinh cho vết thương bị khâu, cần vệ sinh sạch sẽ tay và dụng cụ.

4. Có cần thiết phải giữ vết thương khô không?

Sau phẫu thuật người bệnh nên tắm đứng tuyệt đối không được ngâm vết thương trong nước khi chưa lành

Sau phẫu thuật người bệnh nên tắm đứng tuyệt đối không được ngâm vết thương trong nước khi chưa lành

Người sau khi phẫu thuật được khuyến cáo là không được để cho khu vực vết thương bị ướt trong 24h đầu. Do đó, nếu người bệnh muốn tắm rửa thì nên lau người bằng khăn vắt để tránh nước tối đa. Tới ngày thứ 2, nếu không vận động nhiều thì người bệnh cũng nên hạn chế việc tắm rửa.

Khi muốn vệ sinh cơ thể, người bệnh phải che chắn kĩ khu vực phẫu thuật. Khi tắm nên duy trì tư thế đứng và tuyệt đối không ngâm mình trong bồn nước. Điều đó có thể khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và sâu trong da. Sau khi tắm, người bệnh cần nhanh chóng lau khô người và mặc quần áo lại.

5. Phải làm gì khi vết thương chảy máu?

Khi thấy vết thương bị chảy máu, người bệnh cần thay ngay băng mới và loại bỏ đi băng cũ. Trước khi thay băng mới, bạn nên đè ép nhẹ khu vực bị chảy máu để cầm máu.

Trường hợp thấy máu ở băng khô khá nhiều hoặc máu tiếp tục rỉ mà không có dấu hiệu dừng, bạn nên tới ngay các cơ sở y tế để được khám lại.

6. Khi nào có thể tháo băng?

Sau khi phẫu thuật, thời gian tháo băng người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc tháo băng thường đặc thực hiện khi vết mổ đã dần khô và kín, không còn cần băng bó lại để tránh bụi bẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập. Lúc này, các tác nhân đó không thể xâm nhập tự do vào vết mổ như khi mới phẫu thuật.

7. Khi nào sẽ được tháo các mũi khâu?

Việc tháo các mũi khâu sẽ tùy thuộc vào sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thông thường:

  • Với vết mổ được khâu bằng chỉ không tự tiêu bạn sẽ được cắt chỉ vào khoảng thời gian từ 5-21 ngày tùy vào từng loại phẫu thuật.
  • Với chỉ tự tiêu, người bệnh sẽ không cần phải đi cắt chỉ. Chỉ sẽ tự biến mất trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày.

8. Có được hoạt động, đi lại sau khi phẫu thuật không?

Bệnh nhân sau phẫu thuật lần đầu rời khỏi giường cần có sự hỗ trợ từ người khác

Bệnh nhân sau phẫu thuật lần đầu rời khỏi giường cần có sự hỗ trợ từ người khác

Người sau khi phẫu thuật nên cố gắng tập cử động tay chân và đi lại càng sớm càng tốt nếu có thể. Việc hoạt động sẽ kích thích cho các cơ quan hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải di chuyển một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Lưu ý khi di chuyển không tác động lên vết thương làm bung vết dán hoặc bung chỉ.

9. Bài tập sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện các bài tập thở và bài tập cơ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và làm giảm tác hại của thuốc mê, thuốc tê.

Bài tập thở:

Bài tập thở giúp giải phóng hệ hô hấp và tăng bài tiết từ khí quản. Người bệnh nên thực hiện bài tập thở càng sớm càng tốt. Kỹ thuật thực hiện như sau:

  • Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái nhất. Đặt miệng xung quanh vòi phế dung kế.
  • Hít vào thật sâu và đẩy quả bóng lên cao. Cố gắng giữ trong 3-5s.
  • Thực hiện lặp lại 5-10 lần mỗi giờ sau phẫu thuật cho đến khi người bệnh có thể đi lại bình thường.

Bài tập cơ:

Bài tập cơ thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn và ngăn ngừa tình trạng máu đông phát triển ở tĩnh mạch. Kỹ thuật thực hiện như sau:

  • Nằm trên giường và thực hiện co duỗi chân lần lượt bên trái, bên phải.
  • Chỉ co duỗi chân theo hướng thẳng, không xoay hoặc vặn mình.
  • Bạn có thể thực hiện việc co duỗi chân bất cứ khi nào có thể.

10. Trường hợp nên báo với bác sĩ

Sau khi phẫu thuật, nếu theo dõi vết thương có những tình trạng dưới đây, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra:

  • Vết thương sưng lên kèm theo có mủ hoặc dịch chảy.
  • Vết thương rỉ máu không ngừng.
  • Đau đớn tăng lên, có thể kèm theo sốt.
  • Vùng da xung quanh vết thương bị sưng tấy hoặc phù nề.
  • Chỉ khâu bị bung.
  • Người mệt mỏi, uể oải.

Bằng những thông tin chi tiết trên đây, hy vọng bạn đã biết cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật đúng cách nhất. Quá trình chăm sóc người sau khi phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giúp vết mổ hồi phục nhanh hơn.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Các tin cùng chuyên mục: