Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày [Thực phẩm và điều cần lưu ý]


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2020-02-05 18:04:44

Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày cần chú trọng về dinh dưỡng, cách chế biến, cách lựa chọn thực phẩm. Một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp thúc đẩy tổn thương nhanh lành và hạn chế bớt các triệu chứng khó chịu.

1. Nguyên tắc trong chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày

Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ

Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ

1.1. Không nên ăn ngay

Người sau khi phẫu thuật dạ dày không nên ăn ngay. Ngay sau phẫu thuật, các tổn thương tại dạ dày vẫn còn mới, dạ dày dễ bị kích ứng hoặc vỡ ra do hoạt động co bóp, tiêu hóa thức ăn.

Vì thế, 2 ngày đầu tiên sau phẫu thuật người bệnh sẽ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Từ ngày thứ 3 trở đi, người bệnh có thể ăn thức ăn dưới dạng lỏng với lượng khoảng 50 – 80ml/ lần để dạ dày hoạt động nhẹ nhàng trở lại.

1.2. Ăn ít, chia làm nhiều bữa

Hãy nhớ kiên trì với nguyên tắc ăn ít và chia làm nhiều bữa, không ăn nhiều một lúc. Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày nên chia thành 6 – 8 bữa nhỏ thay vì chỉ ăn 3 bữa chính.

Điều này giúp dạ dày co bóp nhẹ nhàng, không bị “quá sức”, tránh chướng bụng, đầy hơi. Đồng thời giúp cơ thể hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn qua mỗi bữa ăn.

1.3. Thực phẩm mềm, nấu nhừ

Một nguyên tắc khác không thể thiếu trong chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày đó là các món ăn thực phẩm phải mềm và được nấu nhừ, hầm kỹ.

Thực phẩm được nấu chín kỹ sẽ dễ tiêu hóa hơn và tránh cọ xát lên tổn thương có trong dạ dày, nhờ đó, dạ dày được bảo vệ và có tốc độ lành lại nhanh hơn.

Sau phẫu thuật, tân dịch tiêu hao, cơ thể suy nhược nên người bệnh thường có cảm giác mỏi mệt. Vì thế các món ăn mềm sẽ giúp người bệnh dễ ăn hơn.

1.4. Các nguyên tắc khác

  • Tránh bồi bổ quá mức: Không nạp quá nhiều chất đạm, chất béo: Thức ăn giàu đạm và chất béo có thể gây ra tình trạng đầy chướng bụng, khó tiêu nên sẽ không tốt cho dạ dày mới phẫu thuật.
  • Ăn chậm nhai kỹ: Thói quen ăn chậm nhai kỹ sẽ giúp thức ăn được nghiền nát và thấm dịch tiêu hóa tốt hơn. Nhớ đó, áp lực tiêu hóa của dạ dày sẽ được giảm bớt.
  • Nghỉ ngơi thoải mái sau khi ăn: Sau khi ăn xong người bệnh cần được nghỉ ngơi thoải mái để dạ dày tiêu hóa hết lượng thức ăn vừa đưa vào. Cần tránh vận động hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn vì sẽ gây cản trở tiêu hóa.

2. Dinh dưỡng cần bổ sung trong chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày

Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cân đối các nhóm dưỡng chất, thay đổi đa dạng thường xuyên để người bệnh cảm thấy ngon miệng và nhanh phục hồi vùng bị thương tổn.

2.1. Chú trọng bổ sung vitamin và khoáng chất

Vitamin và chất khoáng là nhóm chất đặc biệt quan trọng cho quá trình tái tạo và phục hồi dạ dày sau phẫu thuật. Một số loại vitamin quan trọng gồm có:

2.1.1. Vitamin B1, B12

Các thực phâm chứa viamin B1 rất tốt cho người sau phẫu thuật dạ dày

Các thực phâm chứa viamin B1 rất tốt cho người sau phẫu thuật dạ dày

Chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày nên chú trọng bổ sung vitamin B1 và B12. Đây là hai loại vitamin tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi chất và cấu tạo của tế bào thần kinh.

Khi dạ dày bị tổn thương, quá trình tổng hợp vitamin B12 có thể bị gián đoạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vitamin B12. Điều này có thể khiến người bệnh bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc gây ra các tế bào máu ác tính.

Do đó, người bệnh cần chủ động bổ sung hai loại vitamin này qua các thực phẩm như thịt gia cầm, cá trứng, hải sản….

2.1.2. Thực phẩm chứa nhiều vitamin D

Các loại thực phẩm chứa vitamin D tốt cho người sau phẫu thuật dạ dày

Các loại thực phẩm chứa vitamin D tốt cho người sau phẫu thuật dạ dày

Dạ dày bị tổn thương làm giảm lượng Canxi được hấp thụ từ thức ăn vào máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Do đó, người bệnh cần chủ động bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin D để tăng hiệu suất hấp thu Canxi từ thực phẩm vào máu.

Các loại thực phẩm giàu vitamin D gồm có:  bơ thực vật, trứng, cá mòi, cá trích và cá thu, cá hồi.

2.1.3. Canxi

Như đã nói ở trên, quá trình hấp thu Canxi bị gián đoạn do tổn thương của dạ dày. Do đó các món ăn giàu Canxi từ Sữa, xương ninh, trứng, các loại đậu… sẽ giúp người bệnh tránh thiếu hụt Canxi và phòng ngừa các bệnh về xương.

Chú ý, nên sử dụng các thực phẩm giàu Canxi với thực phẩm giàu Vitamin C và Vitamin D để tăng hiệu suất hấp thu Canxi.

2.1.4. Sắt

Sau khi phẫu thuật, cơ thể người bệnh bị mất lượng máu khá nhiều. Do đó, người bệnh cần tăng cường sử dụng các món ăn chứa nhiều Sắt để kích thích quá trình tạo máu và ngăn chặn nguy cơ tạo ra các tế bào máu ác tính.

Các thực phẩm chứa nhiều Sắt gồm có: các loại thịt đỏ, các loại rau màu xanh đậm, trứng gà… .

2.1.5. Vitamin C

Tăng cường vitamin C tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ

Tăng cường vitamin C tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ

Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa.

  • Giúp nhanh lành vết mổ và nâng cao sức đề kháng.
  • Làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.

Do đó, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau màu xanh đậm, các loại nước ép trái cây như: cam, ổi, táo…

2.1.6. Kẽm

Kẽm là thành phần quan trọng tham gia trực tiếp vào quá trình tái tạo và sản sinh collagen giúp phục hồi tổn thương trên da và tăng sự chắc khỏe của các cơ. Do vậy, chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày nên tăng cường thực phẩm chứa Kẽm.

2.2. Thực phẩm giàu protein

Chế biến cháo từ cá hồi giàu protein, vitamin B12 tốt cho người bệnh

Chế biến cháo từ cá hồi giàu protein, vitamin B12 tốt cho người bệnh

Protein là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình tái tạo tế bào mới giúp hồi phục các điểm tổn thương. Ngoài ra, protein còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy. Do vậy, người bệnh nên tăng cường bổ sung nhóm chất này vào khẩu phần ăn của mình.

Tuy nhiên, thực phẩm nhóm này cần được chế biến kỹ và nên lựa chọn nguồn cung cấp protein từ các loại thịt trắng để hạn chế nguy cơ khó tiêu như thịt, gia cầm, cá, trứng, phô mai, bơ…

2.3. Cung cấp chất béo có lợi cho cơ thể

Dầu oliu là loại chất béo có lợi mà người sau phẫu thuật dạ dày nên dùng

Dầu oliu là loại chất béo có lợi mà người sau phẫu thuật dạ dày nên dùng

Người bệnh nên lựa chọn các chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương… sẽ giúp sản xuất các chất chống oxy hóa và chất chống viêm nhiễm. Từ đó giúp vết thương nhanh lành và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hạn chế sử dụng các loại dầu từ mỡ động vật, chất béo bão hòa trong đồ ăn chế biến sẵn. Bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ đầy bụng, khó tiêu và kích thích dạ dày tăng tiết acid khiến vết thương lâu lành.

2.4. Thường xuyên ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi

Chọn các loại quả chín cho người sau phẫu thuật dạ dày

Chọn các loại quả chín cho người sau phẫu thuật dạ dày

Rau xanh và trái cây giúp bổ sung vitamin và chất xơ giúp quá trình tiêu hóa của người mới phẫu thuật dạ dày trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý khi chọn thực phẩm như sau:

  • Với trái cây: cần chọn quả chín kỹ, gọt vỏ, bỏ hạt và tránh các loại trái cây chua nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo chuối và dưa hấu là hai loại quả rất tốt cho người bệnh phẫu thuật dạ dày.
  • Với rau xanh: Cần chọn các loại rau còn non và chế biến kỹ để tránh chất xơ cọ xát vào vùng dạ dày phẫu thuật gây xước, rách… .

2.5. Sữa

Sữa là thực phẩm có nguồn dinh dưỡng dồi dào nên rất tốt cho quá trình phục hồi của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên sử dụng các loại sữa đã được tách béo hoàn toàn hoặc các loại sữa chỉ chứa 1% chất béo để đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến vết thương.

3. Thực đơn cho người sau phẫu thuật dạ dày

Thực đơn cho người phẫu thuật dạ dày sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phụ thuộc vào quá trình phục hồi của dạ dày.

  • 2 ngày đầu: Dinh dưỡng sẽ được truyền trực tiếp quả đường tĩnh mạch để nuôi cơ thể mà không cần trải qua quá trình tiêu hóa tại ống tiêu hóa.
  • 5 ngày tiếp theo: Người bệnh có thể tập ăn lỏng để kích thích hoạt động của dạ dày theo thực đơn dưới đây:
Bắt đầu từ ngày thứ 3 người sau phẫu thuật dạ dày có thể uống nước cam ngọt

Bắt đầu từ ngày thứ 3 người sau phẫu thuật dạ dày có thể uống nước cam ngọt

7h
  • Sữa 100ml (Ensure 24g + nước sôi để ấm vừa đủ)
9h
  • Nước quả 100ml (cam ngọt 250g, đường kính 10g)
11h
  • Sữa 100ml (Ensure 24g + nước sôi để ấm vừa đủ)
14h
  • Nước quả 100ml (cam ngọt 250g, đường kính 10g)
  • Hoặc quả chín xay nhỏ mịn 150g (thêm đường kính 10g)
17h
  • Sữa 100ml (Ensure 24g + nước sôi để ấm vừa đủ)
20h
  • Sữa 100ml (Ensure 24g + nước sôi để ấm vừa đủ)
Thành phần dinh dưỡng
  • Năng lượng 610kcal/ ngày
  • Protein 18g
  • Lipid 14g
  • Glucid 101g
  • Từ ngày thứ 8 – ngày thứ 13: Lúc này dạ dày đã khỏe hơn và có thể ăn các món ăn nửa lỏng, nửa đặc. Thực đơn trong giai đoạn này của người bệnh có thể gồm các món dưới đây:
Từ ngày thứ 8 người sau phẫu thuật dạ dày có thể ăn súp

Từ ngày thứ 8 người sau phẫu thuật dạ dày có thể ăn súp

7h
  • Súp thịt 150ml (bột gạo 15g, thịt nạc 25g, giá đỗ 20g, dầu ăn 5g, hành hoa, gia vị vừa đủ)
9h
  • Nước hoa quả 150ml (cam ngọt 150g, đường kính 10g)
  • Hồng xiêm nhỏ xay mịn 150g
  • Đường kính 10g
11h
  • Súp thịt 150ml (bột gạo 15g, thịt nạc 25g, giá đỗ 20g, dầu ăn 5g, hành hoa , gia vị vừa đủ)
14h
  • Sữa 150ml (Ensure 36g + nước sôi để ấm vừa đủ)
17h
  • Súp thịt 150ml (bột gạo 15g, thịt nạc 25g, giá đỗ 20g, dầu ăn 5g, hành hoa, gia vị vừa đủ)
20h
  • Sữa 150ml (Ensure 36g + nước sôi để ấm vừa đủ)
Thành phần dinh dưỡng
  • Năng lượng: 856 kcal/ ngày
  • Protein: 35g
  • Lipid: 31g
  • Glucid: 108g
  • Từ ngày 20 sau phẫu thuật trở đi: Ở giai đoạn này dạ dày đã bình phục ở mức độ ổn định, người bệnh có thể bắt đầu với thực đơn gồm cơm và các món ăn từ thực phẩm đã được gợi ý. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực quá lớn cho dạ dày, khẩu phần ăn của người bệnh cần được khống chế ở mức dưới 1500Kcal/ ngày.

4. Một số lưu ý khác

Xem thêm: Người sau phẫu thuật dạ dày không nên ăn gì?

Một số lưu ý người bệnh cần biết để có thể kiểm soát tốt nhất tình trạng sức khỏe của mình:

  • Chế độ ăn uống trong vài ngày đầu: Người bệnh có thể gặp phải tình trạng táo bón, tiêu chảy, chảy máu… Tình trạng này sẽ được khắc phục khi điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên, hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải các triệu chứng trên.
  • Bệnh nhân phẫu thuật do ung thư cần được bổ sung dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch liên tục để đảm bảo sức khỏe, vì thức ăn hấp thu qua đường tiêu hóa rất kém.
  • Tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá, dưa muối, hành muối…

Trên đây là những thông tin cần thiết về chế độ ăn cho người sau phẫu thuật dạ dày. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về khẩu phần ăn để đảm bảo có được chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với thể trạng của mình.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Các tin cùng chuyên mục: