#1 [Tư vấn] Ăn gì để bồi bổ cơ thể? 10 chất dinh dưỡng và 15 món ăn


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2019-07-01 11:16:57

Hai cách đơn giản và có hiệu quả bền vững nhất để bảo vệ và nâng cao sức khỏe chính là tập luyện thể dục thể thao và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhưng ăn gì để bồi bổ cơ thể? dinh dưỡng hợp lý là như thế nào? Nếu bạn muốn biết câu trả lời, hãy đọc tiếp bài viết dưới đây.

Ăn gì để bồi bổ cơ thể an toàn và hiệu quả?

Ăn gì để bồi bổ cơ thể an toàn và hiệu quả?

1. Các chất dinh dưỡng cần bổ sung

Thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể

Thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể

Dinh dưỡng hợp lý chính là xây dựng một chế độ ăn cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng chất dinh dưỡng. Dựa vào tháp dinh dưỡng, bạn có thể cân đối được tỷ lệ chất đạm, chất béo, chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày. 

Để biết ăn gì bồi bổ cơ thể, trước tiên bạn cần nắm rõ được đâu là các chất dinh dưỡng cần phải bổ sung.

1.1. Vitamin A

Vitamin A có vai trò cải thiện tầm nhìn, tăng cường thị lực và điều trị các bệnh rối loạn về mắt. Ngoài ra vitamin A còn tham gia vào quá trình chuyển hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

Thiếu vitamin A gây rối loạn chuyển hóa, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Nhưng nếu thừa vitamin A cũng có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ăn không ngon, buồn nôn, mệt mỏi….

Thực phẩm giàu Vitamin A: dầu gan cá, các loại gan động vật, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá hồi, các loại  rau có màu xanh đậm, sữa, cà chua, cà rốt, đu đủ, tảo xoắn….

Nhu cầu vitamin A cần bổ sung hàng ngày là 2.500 IU/ ngày. Chỉ bổ sung vitamin A khi thực sự cần thiết và theo chỉ dẫn của bác sỹ.

1.2. Vitamin C

Vitamin C tham gia vào rất nhiều quá trình trong cơ thể như hình thành da, xương, các mạch máu, giúp hấp thu sắt ở ruột non dễ dàng hơn.

Ngoài ra vitamin C giúp sản xuất collagen, dẫn truyền thần kinh, tham gia chuyển hóa protid, lipid, glucid. Và đặc biệt chúng còn là một chất chống oxy hóa giúp thải độc và tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.

Hầu hết tất cả các loại rau xanh và trái cây đều chứa vitamin C. Nhưng nhiều nhất thường ở cam, bưởi, ổi, dứa, súp lơ xanh, rau cải xanh, cà chua….

Bổ sung vitamin C ở liều dự phòng từ 25 – 75mg/ ngày. Tùy theo mức độ thiếu, tình trạng bệnh nhân mà bác sỹ sẽ có những liều dùng phù hợp.

Không sử dụng vitamin C cho những bệnh nhân tăng oxalat niệu, sỏi thận, rối loạn chuyển hóa oxalat, bệnh thalassemia.

1.3. Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi và phospho. Vitamin D được hấp thụ vào cơ thể thông qua việc ăn uống và bổ sung bằng dược phẩm. Ngoài ra  vitamin D có thể tự tổng hợp bằng việc phơi nắng buổi sáng. Vitamin D giúp xây dựng hệ xương khớp khỏe mạnh và giúp các quá trình trong cơ thể diễn ra bình thường.

Khi bổ sung vitamin D cần chú ý đến đối tượng và mức độ cần bổ sung để có những liều dùng phù hợp. Liều bổ sung theo khuyến nghị là 400IU/ ngày với người lớn và 200 – 400 IU/ ngày với trẻ em.

Cần kết hợp bổ sung vitamin D từ thuốc và từ thực phẩm. Sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại cá, đậu nành, hàu, yến mạch, trứng… là nguồn thực phẩm giàu vitamin D.

1.4. Vitamin E

Vitamin E giúp làm đẹp, chống lão hóa, là chất dinh dưỡng cho da và mắt, cho hệ sinh sản, và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Nhu cầu vitamin E là 60 – 75 IU/ ngày.

Một số thực phẩm giàu vitamin E như: các loại hạt dinh dưỡng hạnh nhân, óc chó, hạt lanh, các loại ngũ cốc, quả bơ, rau cải….

1.5. Đạm

Protein - Dưỡng chất thiết yếu bồi bổ cơ thể

Protein – Dưỡng chất thiết yếu của cơ thể

Chất đạm hay protein là một chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển cơ thể.

Protein là thành phần chính trong cấu tạo tế bào. Là nguồn năng lượng của cơ thể, tham gia vào thành phần của máu, hệ cơ, hormone, enzyme, các kháng thể, hệ tuần hoàn … .

Protein có thể được tìm thấy ở cả động vật và thực vật. Protein động vật có sự cân đối về thành phần và hàm lượng acid amin cao hơn protein thực vật. Tuy nhiên khi bổ sung vẫn cần cân đối hai loại protein này.

Thịt, cá, trứng, sữa, gạọ, đậu tương, ngô…là những thực phẩm chứa nhiều protein. 

Với người trưởng thành, lượng đạm tối thiểu cần bổ sung trong ngày là 1 gam protein/ 1 kg thể trọng.

1.6. Canxi

Trong sự hình thành, phát triển và duy trì sức khỏe hệ xương khớp không thể thiếu được canxi.

Ngoài ra canxi còn giúp cân bằng hệ miễn dịch, tiêu diệt vi khuẩn, dẫn truyền thần kinh giúp tinh thần sảng khoái, hưng phấn, giảm lo âu. Hơn nữa canxi cũng tham gia vào các quá trình chuyển hóa của cơ thể … .

Lượng canxi bổ sung trong ngày từ 1000- 1300mg tùy theo từng đối tượng, chủ yếu qua con đường ăn uống.

Một số thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, tôm, cua, cá, ngũ cốc, rau xanh … .

Việc bổ sung canxi bằng dược phẩm cần có sự chỉ dẫn của bác sỹ.

1.7. Kẽm

Kẽm tham gia vào cấu trúc của hơn 80 loại enzyme trong cơ thể.

Bên cạnh đó, kẽm cũng tham gia vào nhiều quá trình hoạt động như: Hấp thu thức ăn, tổng hợp đạm, vận chuyển và chuyển hóa nhiều vi chất, tăng sự nhạy cảm của vị giác giúp kích thích ăn uống.

Lượng kẽm cần bổ sung theo khuyến nghị là 5 – 13mg/ ngày bằng các loại thực phẩm như, của cải, đậu Hà Lan, đậu tương và các loại đậu, cá, tôm…

1.8. Magie

Magie có vai trò:

  • Điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, hệ cơ.
  • Tham gia vào cấu trúc tế bào, hoạt hóa enzyme.
  • Chống co cứng, chuột rút.
  • Làm giãn mạch tăng cường lưu thông máu.
  • Tăng tiết mật, tăng hoạt động của nhu động ruột giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
  • Chuyển hóa protein, lipid, glucid, tổng hợp hemoglobin … .

Bổ sung magie bằng các loại thực phẩm cá, chuối, các loại đậu, rau xanh đậm, quả bơ, trái cây khô, sữa chua, chanh leo, rong biển … .

Bổ sung magie bằng thuốc thường dưới dạng hợp chất vô cơ magie cacbonat với liều lượng 500mg/ ngày. Liều lượng có thể thay đổi tùy theo chỉ định của bác sỹ với từng đối tượng và mức độ thiếu hụt.

1.9. Sắt

Sắt là một vi chất quan trọng trong sự tạo thành hemoglobin, myoglobin và cytochrome C. Sắt giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa, tăng trưởng tế bào, tổng hợp ADN.

Chỉ 10% lượng sắt đưa vào cơ thể được hấp thụ. Vì thế cần bổ sung nhiều gấp 10 lần lượng sắt khuyến nghị bổ sung hàng ngày mới có thể cung cấp đủ sắt cho cơ thể. Đồng thời tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp việc hấp thu được tốt hơn.

Thực phẩm giàu sắt là gan gà, thịt đỏ đặc biệt là thịt bò, cá, đậu phụ, rau có lá xanh đậm, hạt bí đỏ, mơ, mận, các loại đậu … .

Người thiếu máu cần bổ sung sắt liên tục từ 2 – 3 tháng với liều lượng:

  • Người lớn: 50 – 120 mg sắt nguyên tố/ ngày, ngày 3 lần.
  • Trẻ em: 4 – 6 mg/ 1kg thể trọng, chia 3 lần/ ngày.

1.10. Kali

Bổ sung dinh dưỡng từ cả thực phẩm, hoa quả, rau củ

Bổ sung dinh dưỡng từ cả thực phẩm, hoa quả, rau củ

Kali là vi chất cần thiết cho mọi tế bào sống. 

Kali có vai trò giúp:

  • Các chức năng trong cơ thể hoạt động ổn định.
  • Dẫn truyền thần kinh.
  • Cân bằng điện giải.
  • Giúp sản xuất protein.
  • Biến glucose thành glycogen dự trữ trong cơ thể để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể.
  • Kali cũng là thành phần giúp xây dựng hệ cơ và xương, ngăn chặn tình trạng mất xương.

Kali là chất dinh dưỡng dễ tìm nhất trong thực phẩm. Một số loại giàu kali như: Thịt nạc lợn, chuối, mãng cầu, cam, khoai lang, rau dền, ngô, khoai tây, bắp cải, đỗ … .

Đọc thêm: Thức uống bồi bổ cơ thể

2. Ăn gì để bồi bổ cơ thể?

Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm để chế biến món ăn giúp bạn có được những món ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ăn gì để bồi bổ cơ thể? Hãy tham khảo 15 món ăn ngon với các nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, dễ chế biến nhưng rất giàu dinh dưỡng.

2.1. Canh nhung hươu

Nhung hươu có hàm lượng acid amin và dinh dưỡng cao mang đến nhiều công dụng hữu ích

Nhung hươu có hàm lượng acid amin và dinh dưỡng cao mang đến nhiều công dụng hữu ích

Sử dụng nhung hươu để bồi bổ cơ thể sẽ mang lại tác dụng rất nhanh chóng. Bên cạnh nhung hươu ngâm rượu, nhung hươu ngâm mật ong….một cách đơn giản hơn bạn có thể làm là canh nhung hươu – Món ăn thanh mát, giàu dinh dưỡng phù hợp với nhiều đối tượng.

Nguyên liệu:

  • Nhung hươu tươi / khô thái lát băm nhỏ hoặc bột nhung hươu
  • Rau, của tùy sở thích
  • Nước hầm xương
  • Hành mùi..
  • Gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Làm sạch nhung hươu thái lát bằng khăn sạch tẩm rượu gừng rồi lau khô. Sau đó băm nhỏ hoặc để nguyên lát.
  • Rau củ cho vào nước hầm xương nấu chín.
  • Cho 1 – 2 g nhung hươu tương đương 1 – 2 lát vào đun sôi một lúc.
  • Nếu sử dụng bột nhung hươu, cho 1 thìa cà phê vào bát canh rồi đảo đều.
  • Múc canh ra bát, thêm hành mùi.
  • Dùng canh khi còn nóng để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.

Đọc thêm: Thức ăn bồi bổ cơ thể

2.2. Súp gà

Soup gà là món ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ ăn, dễ làm

Soup gà là món ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ ăn, dễ làm

Súp gà là một món ăn bổ dưỡng rất tốt cho tiêu hóa, thích hợp cho nhiều đối tượng đặc biệt người già và trẻ nhỏ.

Nguyên liệu:

  • Thịt ức gà
  • Cà rốt, ngô ngọt, đậu Hà Lan, nấm hương
  • Trứng gà
  • Bột bắp, hành lá, hành củ, rau mùi
  • Gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Gà rửa sạch với nước muối và đem luộc chín, sau đó ngâm và nước lạnh.
  • Xé gà thành sợi nhỏ vừa ăn
  • Ngô tách hạt, cà rốt thái hạt lựu, đậu Hà lan cho vào nồi luộc trong 5 – 10 phút sau đó vớt ra ngâm vào nước lạnh
  • Nấm hương ngâm mềm, cắt bỏ chân, thái sợi
  • Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành, cho gà và nấm vào đảo qua 5 phút, nêm gia vị vừa ăn
  • Bột bắp hòa tan trong một bát nước lạnh
  • Cho nước luộc rau củ ở trên lên bếp đun sôi, nêm gia vị. Đổ từ từ từng chút nước bột bắp vào nồi nước dùng, khuấy đều đến khi bột bắp tan hết.
  • Trứng gà tách riêng lòng trắng và lòng đỏ. Đánh tan lòng trắng, sau đó từ từ đổ lòng trắng vào nồi nước dùng, khuấy đều tay để tạo những sợi vân dài đẹp mắt
  • Cho tiếp gà nấm đã xào, rau của đã luộc chính vào nấu cùng
  • Mức ra bát, thêm hành lá, rau mùi và chút tiêu

2.3. Cháo hà thủ ô

Ăn gì bồi bổ cơ thể? Cháo hà thủ ô là món ăn không thể thiếu.

Món cháo này có tác dụng dưỡng gan, bổ huyết, tốt cho thận, chống lão hóa, cải thiện chứng hoa mắt chóng mặt rất có lợi với sức khỏe con người.

Nguyên liệu:

  • Hà thủ ô: 30 – 60g
  • Gạo tẻ: 60g
  • Tảo đỏ: 3 – 5 quả
  • Đường đỏ vừa ăn

Chế biến:

  • Sử dụng nồi đất để đun hà thủ ô lấy nước
  • Lấy nước sắc hà thủ ô nấu cháo cùng với táo đỏ
  • Cháo chín, nêm đường đỏ cho vừa miệng
  • Sử dụng hàng ngày vào buổi sáng và tối

Không sắc hà thủ ô trong nồi sắt, người tiêu chảy không nên dùng cháo hà thủ ô.

2.4. Cháo chim cút mè đen

Chim cút có tác dụng bổ toàn thân, bổ trung ích khí, thanh lợi thấp nhiệt, tăng cường gân cốt kết hợp với mè đen có tác dụng bổ khí huyết, chống viêm, bổ gan thận… thích hợp để bồi bổ cơ thể đặc biệt là những người suy nhược, mới ốm dậy.

Nguyên liệu:

  • Chim cút làm sạch
  • Gạo tẻ, gạo nếp
  • Mè đen
  • Hành tím, hành lá
  • Dầu ăn, gia vị vừa ăn

Chế biến:

  • Sử dụng rượu để làm sạch mùi tanh của chim cút, chặt nhỏ thành miếng vừa ăn
  • Phi thơm hành, cho thịt chim cút vào đảo cho săn, cho nước vào nồi đun sôi
  •  Rang gạo cho vàng và có mùi thơm
  • Cho gạo vào nấu nồi nấu cùng chim cút, mè đen đến khi cháo chín
  • Nêm gia vị vừa ăn
  • Dùng cháo khi còn nóng, cho thêm hành mùi và hạt tiêu để tăng hương vị

2.5. Cháo nhung hươu

Cháo nhung hươu - món ăn bồi bổ cơ thể với giá trị dinh dưỡng cao

Cháo nhung hươu – món ăn bồi bổ cơ thể với giá trị dinh dưỡng cao

Ăn gì để bồi bổ cơ thể? Chắc chắn không thể thiếu món cháo nhung hươu.

Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng rất cao. Cháo nhung hươu có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt, nhất là với trẻ em, người già, người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy. Nó giúp tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, tăng cường năng lượng…

Nguyên liệu:

  • Nhung hươu: có thể sử dụng nhung hươu tươi, hoặc khô
  • Gạo tẻ
  • Rau củ quả
  • Gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Nhung hươu tươi làm sạch lông bao phủ bên ngoài, thái lát hoặc băm nhỏ.
  • Nhung hươu khô thái lát ngâm cho mềm hoặc đem nghiền thành bột.
  • Cho gạo cùng rau củ vào nấu thành cháo.
  • Cho nhung hươu tươi vào đun sôi 5 phút cho chín, nêm gia vị vừa ăn. Nếu sử dụng bột nhung hươu, cho 1 thìa cà phê vào nồi cháo, nêm gia vị, đun sôi lại rồi bắc ra ngay.
  • Dùng cháo khi còn nóng.

2.6. Thịt heo hầm

Thịt heo hầm thuốc bắc giúp bổ sung collagen, chất đạm đặc biệt khi kết hợp thêm các vị thuốc bắc như hoài sơn, kỷ tử, táo tàu, thục địa, hạt sen, ý dĩ… giúp kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt.

Nguyên liệu:

  • Chân giò heo
  • Gói  gia vị thuốc bắc
  • Gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Chân giò heo mua về làm sạch, có thể chặt nhỏ là 2 phần hoặc để nguyên cả chân
  • Ướp gia vị, đem chiên vàng
  • Cho chân giò heo vào nồi cùng gói gia vị thuốc bắc, thêm nước và hầm nhừ
  • Nêm gia vị vừa ăn
  • Dùng món ăn khi còn nóng

Đọc thêm: Các món hầm bồi bổ cơ thể

2.7. Tỏi tây xào gan lợn

Món ăn gì bồi bổ cơ thể từ gan lợn? Bạn có thể chọn món tỏi tây xào gan lợn. Đây là một trong các món bồi bổ cơ thể rất hiệu quả cho người thiếu máu.

Gan lợn là một loại thực phẩm giàu sắt, vitamin A, C, B, có độ đạm cao.

Trong khi đó cần tây lại chứa nhiều vitamin K, A, B, C, magie, canxi, silic….Sự kết hợp của hai loại thực phẩm này giúp tạo nên một món ăn tốt cho người thiếu máu, tăng cường sức khỏe cho mắt. Ngoài ra còn giúp nhuận tràng, dễ tiêu hóa, giúp ăn ngon ngủ tốt, chống viêm….rất hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • Gan lợn
  • Sữa tươi không đường
  • Rau cần tây
  • Tỏi khô, hành khô
  • Dầu ăn, gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Gan lợn chọn những miếng gan có màu đỏ hoặc hồng tươi, lá gan đều, không nổi cục. Dùng tay ấn xuống miếng gan thấy lõm xuống không lồi lên là gan tươi, gan không có mùi hôi.
  • Gan mua về làm sạch thái miếng vừa ăn và ngâm trong sữa tươi không đường để khử độc trong 15 phút.
  • Vớt  gan ra để ráo.
  • Hành tỏi khô băm nhuyễn, phi thơm.
  • Cho gan heo vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn.
  • Gan heo gần chín cho tiếp cần tây vào đảo cùng đến khi chín hẳn.
  • Rắc tiêu hột, múc ra đĩa và dùng nóng.

2.8. Cá chép hấp cách thủy

Cá chép có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, các món ăn từ cá chép giúp bổ máu, tăng tuần hoàn máu, lợi tiểu, tiêu phù, bổ gan thận, giúp an thai, bổ khí huyết, giảm mệt mỏi, lợi sữa, thông sữa, các bệnh phụ nữ….

Nguyên liệu:

  • Cá chép 1 con
  • Gừng, tỏi, rượu trắng
  • Hành lá, cà rốt, ớt, rau mùi
  • Xì dầu, dầu ăn, gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Cá chép làm sạch, khứa vài đường trên thân cho dễ thấm gia vị, ướp gia vị trong 30 phút
  • Gừng thái sợi, cho một nửa chỗ gừng vào trong đĩa sâu lòng, đặt cá chép lên trên và cho nốt chỗ gừng, cà rốt lên trên
  • Nước sôi, cho đĩa cá chép vào hấp cách thủy 10 phút
  • Thêm 2 thìa rượu trắng, một ít nước, xì dầu, đường, tiêu sọ vào và hấp thêm 10 phút cho cá chín hẳn
  • Cho thêm hành, mùi, ớt lên phía trên trang trí
  • Dùng khi cá còn nóng

2.9. Thịt gà chưng cách thủy

Thịt gà chứa nhiều đạm, giàu photpho, vitamin A và các khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống loãng xương, tăng cường trao đổi chất, tăng cường hệ tim mạch, chống ung thư, cải thiện thị lực…. 

Món ăn gì để bồi bổ cơ thể từ thịt gà? Bạn có thể chọn món gà luộc, gà hầm hạt sen hay đơn giản là gà chưng cách thủy.

Nguyên liệu:

  • Gà ta 
  • Gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Gà làm sạch và chặt miếng vừa ăn
  • Ướp gia vị 30 phút
  • Cho gà vào nồi chưng cách thủy
  • Ăn cả thịt gà và nước dùng gà, tốt nhất là khi món ăn còn ấm nóng

2.10. Gà ác hầm thuốc bắc

Gà ác hầm thuốc bắc ngải cứu giúp bồi bổ cơ thể

Gà ác hầm thuốc bắc ngải cứu giúp bồi bổ cơ thể

Gà ác kết hợp với ngải cứu cùng một số vị thuốc bắc không chỉ cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà còn giúp kích thích ăn ngon, dễ tiêu hóa.

Nguyên liệu:

  • Gà ác 
  • Ngải cứu
  • Gói gia vị thuốc bắc
  • Rượu trắng
  • Gia vị vừa ăn

Chế biến:

  • Gà làm sạch, có thể để nguyên con hoặc chặt miếng vừa ăn.
  • Ướp gà với gia vị trong 15 – 20 phút sau đó đem chiên sơ qua
  • Ngải cứu rửa sạch, nhặt lấy phần non, phần già cho vào 1 túi nhỏ để hầm cùng
  • Cho gà cùng ngải cứu, gói thuốc bắc, một chút rượu trắng, và ít nước dùng hoặc nước trắng vào nồi đất nhỏ
  • Đem hầm cách thủy từ 2 – 3 tiếng cho gà chín mềm
  • Nêm gia vị vừa ăn, dùng khi còn nóng

2.11. Thịt dê hầm gừng

Ăn gì bồi bổ cơ thể cơ thể suy nhược? Bạn hãy chọn ngay thịt dê.

Theo đông y, thịt dê hay còn được gọi là dương nhục có vị ngọt, tính nóng, không độc có tác dụng bổ hư lao, ích khí huyết, ấm thận, ấm trung tiêu, kiện tỳ.

Thịt dê hầm gừng và một số món ăn khác từ thịt dê đạo bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, hồi phục sức khỏe, tăng cường hormone sinh dục.

Nguyên liệu:

  • Thịt dê: 200g
  • Gừng tươi: 20g
  • Đương quy: 20g

Chế biến:

  • Thịt dê làm sạch, rửa bằng rượu cho hết mùi hôi, đem thái lát.
  • Gừng cạo vỏ, đập dập. Đương quy thái lát.
  • Cho thịt dê, gừng và đương quy vào hầm với lượng nước vừa đủ đến khi chín.
  • Vớt bỏ bã thuốc.
  • Nêm gia vị vừa ăn. Dùng nóng.
  • Người mới ốm dậy, người suy nhược cơ thể phụ nữ sau sinh, thiếu máu nên ăn thịt dê hầm gừng 2 – 3 lần / ngày.

Chú ý:

  • Không được nấu thịt dê trong nồi đồng.
  • Người có đàm hỏa, thấp nhiệt không sử dụng thịt dê.
  • Phụ nữ có thai hạn chế ăn thịt dê.
  • Không uống trà sau khi ăn thịt dê.

2.12. Nước canh xương

Canh xương nấu bí xanh món ăn thanh đạm bổ dưỡng

Canh xương nấu bí xanh món ăn thanh đạm bổ dưỡng

Canh xương hầm là món ăn giàu năng lượng mang lại rất nhiều tác dụng như: Bổ sung collagen và các chất dinh dưỡng. Đặc biệt là canxi, photpho, magie, glucosamine, chondroitin giúp làm giảm đau nhức xương khớp, cải thiện hệ tiêu hóa, chống dị ứng, tăng cường sức khỏe … .

Món nước canh xương có thể sử dụng xương heo hoặc xương bò.

Nguyên liệu:

  • Xương sườn heo, xương ống hoặc xương đuôi
  • Rau củ: cà rốt, su hào, bí đao, khoai tây…tùy sở thích
  • Hành mùi
  • Gia vị vừa ăn

Chế biến:

  • Xương heo mua về rửa sạch, trần qua cho hết chất bẩn.
  • Cho nước lạnh vào ninh nhỏ lửa trong 2 giờ để xương ra hết chất ngọt. Trong quá trình ninh xương thường xuyên hớt bọt để nước canh trong và thơm.
  • Rau củ xào qua nêm chút gia vị sau đó cho vào đun sôi cùng nước xương cho chín.
  • Bạn cũng có thể nấu canh xương với sấu, cà chua.
  • Thêm hành mùi và múc ra bát.

2.13. Yến mạch

Yến mạch có rất nhiều chất đạm, chất béo không bão hòa, chất xơ vitamin và nhiều khoáng chất. Đặc biệt yến mạch có chứa carbonhydrat hấp thu chậm giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Các tác dụng mà yến mạch mang lại rất đa dạng như: Cải thiện hệ tiêu hóa, giảm cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu, có tác dụng tích cực lên hệ thần kinh, lợi tiểu, cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm cân … .

Ăn gì để bồi bổ cơ thể từ yến mạch? Bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau.

2.13.1. Yến mạch trộn sữa

Sử dụng yến mạch ăn liền, thêm sữa hoặc sữa chua, trộn đều và thưởng thức. Bạn cũng có thể bổ sung thêm hoa quả hay một số loại bột ngũ cốc khác để ăn kèm.

2.13.2. Cháo yến mạch

Cháo yến mạch được chế biến đơn giản và nhanh chóng. Đun hỗn hợp gồm nước và yến mạch trong vòng 7 – 10 phút, bạn sẽ có một món cháo yến mạch bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra bạn cũng có thể gia giảm gia vị hoặc cho thêm các loại loại thịt để phù hợp khẩu vị.

2.14. Canh đậu phụ nấm hương

Đậu phụ có hàm lượng đạm thực vật cao, nhiều canxi, sắt, magie….rất có lợi cho sự phát triển xương khớp, ích khí thanh nhiệt, giảm cholesterol, …

Nấm hương ít calo, giàu chất xơ, vitamin B, D, kẽm, mangan … rất tốt cho tim mạch, giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, giúp xương chắc khỏe.

Canh đậu phụ nấm hương là món ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

Nguyên liệu:

  • Đậu phụ non
  • Nấm hương
  • Nấm kim châm
  • Cà chua
  • Hành. mùi, gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Sơ chế và làm sạch các nguyên liệu.
  • Phi thơm hành, cho  cà chua vào xào qua.
  • Thêm nước vào đun sôi. Bạn có thể sử dụng nước hầm xương nếu có.
  • Đậu phụ thái miếng vừa ăn, trộn đều với chút gia vị cho ngấm.
  • Nấm hương bỏ chân thái nhỏ.
  • Nấm kim châm bỏ gốc rửa sạch.
  • Nước sôi cho đậu phụ, nấm hương vào trước, đun sôi, nêm gia vị vừa ăn.
  • Cho tiếp nấm kim châm vào, đun sôi lại.
  • Cho hành mùi vào và thưởng thức.

2.15. Canh gan gà cà chua

Gan gà có nhiều sắt, vitamin A, B và một số khoáng chất khác, chúng là một vị thuốc đông y có tác dụng bổ huyết, sáng mắt. Ngoài ra món ăn có bổ sung thêm mộc nhĩ giúp kiện tỳ chỉ huyết, bổ não cường tim thích hợp cho người thiếu máu, người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể, thổ huyết, ho lâu ngày…dùng thường xuyên rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nguyên liệu:

  • Gan gà
  • Mộc nhĩ
  • Cà chua
  • Sữa tươi không đường
  • Nước hầm xương
  • Hành, mùi, gia vị vừa đủ

Chế biến:

  • Chọn mua gan gà tươi, bề mặt mịn, sáng sờ dính tay, không có màu, mùi lạ.
  • Rửa sạch, thái miếng vừa ăn và ngâm với sữa tươi không được để khử độc.
  • Phi thơm hành cho gan gà vào xào qua, nêm chút gia vị  và vớt ra bát.
  • Cho tiếp cà chua và mộc nhĩ vào xào, cho nước dùng vào đun sôi cho cà chua, mộc nhĩ chín .
  • Đổ tiếp gan gà vào, nêm gia vị vừa ăn.
  • Đun sôi lại, cho hành mùi vào và dùng nóng.

Đọc thêm: Các món canh bồi bổ cơ thể

Trên đây là 15 món ăn giúp bồi bổ sức khỏe từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, cách chế biến không quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng. Đây cũng chính là câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để bồi bổ cơ thể? 

Nếu bạn cần tư vấn thêm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Các tin cùng chuyên mục: