Thuốc Đông y bồi bổ cơ thể như thế nào? – [Kiến thức cho bạn]


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2019-07-09 07:02:50

Nhắc đến thuốc Đông y, rất nhiều người nghĩ ngay đến các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện. Nhưng các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể như thế nào? Có phải ai cũng sử dụng được những bài thuốc đó không? Chúng có thật sự hiệu quả không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé!

1. Ai nên dùng thuốc Đông y?

Thuốc Đông y là thuật ngữ để chỉ những loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên được bào chế từ những loại dược liệu có tác dụng chữa bệnh. Theo vị trí địa lý, thuốc Đông y được chia làm: 

  • Thuốc Nam: Là những bài thuốc sử dụng những loại dược liệu của Việt Nam.
  • Thuốc Bắc: Là thuốc sử dụng những loại dược liệu của phương Bắc (Trung Quốc).

Theo mục đích sử dụng, thuốc Đông y chia làm:

  • Thuốc chữa bệnh
  • Thuốc bồi bổ cơ thể

Đây là bài viết chi tiết về các loại thuốc bồi bổ cơ thểnhững bài thuốc bồi bổ cơ thể để bạn tìm hiểu thêm.

Theo cách phân loại này có thể thấy, thuốc Đông y hướng đến hai đối tượng sử dụng:

1.1. Đối tượng là người bị bệnh

Việc chữa bệnh theo Đông y dựa trên thuyết Âm dương, Ngũ hành, lấy con người làm gốc, bệnh chỉ là phần ngọn. Hầu hết tất cả các căn bệnh đều có thể chữa được bằng Đông y. Đặc biệt có hiệu quả với một số bệnh như:

  • Các bệnh về đường tiêu hóa: táo bón, đau dạ dày, viêm đại tràng, ăn uống không tiêu, đau bụng … .
  • Các bệnh phụ khoa: Khí hư, bế kinh, kinh nguyệt không đều, sa dạ con, u xơ tử cung, thống kinh, vô sinh ở nữ, hiếm muộn … .
  • Bệnh nam khoa: liệt dương, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, u xơ tuyến tiền liệt, vô sinh nam … .
  • Các bệnh trẻ em: Ra mồ hôi trộm, rôm sảy, đái dầm, quai bị, viêm phế quản, hen phế quản … .
  • Bệnh xương khớp: Gout, bong gân, đau khớp, gẫy xương, liệt chi, đau vai gáy, trật khớp … .
  • Và còn rất nhiều bệnh khác

1.2. Đối tượng là những người cần bồi bổ cơ thể

Những người cần bồi bổ cơ thể này chủ yếu là những đối tượng:

  • Kém ăn, chán ăn, ăn không ngon miệng.
  • Suy nhược cơ thể.
  • Suy nhược thần kinh.
  • Gầy yếu.
  • Yếu sinh lý.
  • Người mới ốm dậy.
  • Người sau phẫu thuật.
  • Người thường xuyên mệt mỏi.
  • Bồi bổ cơ thể sau phá thai.

Những đối tượng này, dựa theo các chứng hư mà phân thành:

  • Người bị chứng khí hư
  • Người bị chứng huyết hư
  • Người bị chứng dương hư
  • Người bị chứng âm hư
  • Người khí huyết đều suy

2. Tại sao nên dùng thuốc Đông y để bồi bổ cơ thể?

 Có rất nhiều lý do để mọi người tin tưởng lựa chọn các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể

Có rất nhiều lý do để mọi người tin tưởng lựa chọn các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể

2.1. Tính an toàn cao

Nguyên liệu sử dụng làm thuốc là những loại thân, lá, rễ, củ quả của những loại thực vật có trong tự nhiên, được bào chế thủ công nên chúng thường không có tác dụng phụ, lành tính nên có thể dùng lâu dài.

2.2. Có hiệu quả cao

Các bài thuốc Đông y thường được truyền từ đời này sang đời khác, có thử nghiệm thực tế và được công nhận là có hiệu quả trong việc điều trị bệnh cũng như bồi bổ cơ thể.

Mặc dù có tác dụng chậm hơn Tây y, nhưng sử dụng thuốc Đông y mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững hơn.

Hiện nay, y học hiện đại cũng đã nghiên cứu, áp dụng và làm mới những bài thuốc cổ truyền nổi tiếng để bào chế những loại thuốc mới, nâng cao hiệu quả bồi bổ sức khỏe của bài thuốc gốc.

2.3. Có tác dụng toàn thân

Nguyên tắc chữa bệnh của Đông y dựa trên thuyết Âm dương, Ngũ hành và các học thuyết lý luận riêng.

Các bài thuốc Đông y coi trọng “cân bằng” và “điều hòa”; Coi trọng khả năng phục hồi và tái tạo cơ thể của con người. Đồng thời các bài thuốc hướng đến “Biện chứng thi bổ” hư đâu bổ đó, chỗ nào cần bổ thì mới dùng thuốc bổ.

3. Các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể

Theo Đông y, bồi bổ cơ thể đồng nghĩa với bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương. Như vậy, có thể hiểu, những bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể có tác dụng nâng cao chính khí của cơ thể trên bốn mặt: khí, huyết, âm, dương.

Cơ thể chia làm 5 nhóm bài thuốc chính dưới đây

3.1. Bài thuốc Đông y bổ khí

Nhân sâm là một vị thuốc có tác dụng bổ khí hay được sử dụng

Nhân sâm là một vị thuốc có tác dụng bổ khí hay được sử dụng

Trong Đông y, khí là một loại vật chất hoạt động trong cơ thể. Với tác dụng duy trì và điều tiết các quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể, duy trì hoạt động sống.

Khí hình thành nhờ sự phối hợp, điều hòa và hiệp đồng của Phế, Tỳ, Thận.

Triệu chứng bệnh khí hư:

  • Phế khí hư: ho, khó thở, cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt, tiếng nói nhỏ, nói không ra hơi.
  • Tỳ khí hư: Chân tay yếu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, sa các tạng phủ, sa tử cung, sa dạ dày, thoát vị bẹn, ăn uống kém … .

Một số vị thuốc hay sử dụng: Nhân sâm, đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, đại táo … .

Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu đến bạn bài thuốc:

3.1.1. Sinh mạch tán

Dược vị:

  • Nhân sâm hoặc đẳng sâm 12g
  • Mạch môn 12g
  • Ngũ vị tử 8g

Cách dùng: Sắc nước uống

Công dụng: Ích khí liễm hãn, dưỡng âm sinh tân chữa chứng cảm nắng mùa hè, ra nhiều mồ hôi, âm hư nhược, người đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe, có tác dụng điều trị các bệnh động mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, chống đông máu.

Chú ý:

  • Không dùng chung với Lê lô có thể gây độc chất người
  • Gia thêm các dược vị khác để tăng thêm tác dụng như: thêm toan táo nhân, bá tử nhân giúp dưỡng tâm an thần.

3.1.2. Bổ trung ích khí

Dược vị:

  • Đẳng sâm 16g
  • Hoàng kỳ 20g
  • Trích thảo 4g
  • Thăng ma 4 – 6g
  • Quy đầu 12g
  • Sài bồ 6 – 10g
  • Bạch truật 12g
  • Trần bì 4 – 6g

Cách dùng: Sắc uống

Công dụng: Bổ tỳ vị, thăng dương ích khí chuyên trị cơ thể hư nhược, mệt mỏi ra nhiều mồ hôi, rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Chú ý: Trường hợp khí hư hạ hãm gây sa nội tạng gia thêm chỉ thực hoặc chỉ xác vào bài thuốc.

3.2. Bài thuốc Đông y bổ huyết

Đương quy có tác dụng bổ huyết

Đương quy có tác dụng bổ huyết

Trong Đông y, huyết thuộc tính Âm trong Âm dương nên “thường bất túc” mà sinh Hư chứng. Chứng huyết hư có một số triệu chứng sau: hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, căng thẳng, mất ngủ, người xanh sao, kinh nguyệt ít.

Một số vị thuốc có tác dụng bổ huyết hay dùng như: Đương quy, thục địa, a giao, hà thủ ô, tang thầm … .

3.2.1. Tên một số bài thuốc đông y bổ huyết

Các bài thuốc bổ huyết thường kết hợp với các vị thuốc bổ khí để làm tăng tác dụng. Một số bài thuốc Đông y bổ khí hay gặp:

  • Bổ huyết
  • Bổ huyết điều kinh
  • Tứ vật thang
  • Đương quy bổ huyết thang
  • Quy tỳ thang

3.2.2. Chi tiết bài thuốc

Bài viết xin giới thiệu đến bạn bài thuốc: Đương quy bổ huyết thang

Dược vị:

  • Đương quy rửa sạch 8g.
  • Hoàng kỳ nướng than cho chín 40g.

Cách dùng: Sắc uống.

Công dụng: Bổ khí, sinh huyết trị khí huyết hư hàn, mặt đỏ, phiền khát.

3.3. Bài thuốc Đông y bổ khí huyết

Huyết sinh hư chứng, Khí sinh thực chứng. Huyết và khí là một cặp đôi có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Bài thuốc Đông y bổ khí huyết sử dụng phối hợp dược liệu có tác dụng bổ huyết và bổ khí.

3.3.1. Một số bài thuốc bổ khí huyết thường gặp

  • Bát trân thang
  • Thập toàn đại bổ
  • Chích cam thảo thang
  • Thái sơn bàn thạch thang

3.3.2. Chi tiết bài thuốc

Bài viết xin giới thiệu bài thuốc đông y bồi bổ cơ thể Bát trân thang là sự kết hợp của hai bài thuốc “tứ quân tử thang” bổ khí và “tứ vật thang” bổ huyết.

Dược vị:

  • Đương quy 12g
  • Xuyên khung 12g
  • Thục địa 20g
  • Bạch thược 12g
  • Đẳng sâm 12g
  • Bạch linh 12g
  • Bạch truật 12g
  • Cam thảo 10g

Cách dùng: Sắc uống

Công dụng: Bổ khí ích huyết, trị cơ thể suy nhược, khí huyết đều suy, sắc da trắng nhợt nhạt, tây chân yêu không có sức, hồi hộp căng thẳng, kém ăn, ăn không tiêu, không lực, kinh nguyệt không đều, hiếm muộn, khó đậu thai…

Chú ý: Không dùng chung với lê lô

3.4. Bài thuốc Đông y bổ âm

3.4.1. Một số bài thuốc Đông y bổ âm

Có rất nhiều nguyên nhân gây chứng âm hư như: can thận âm hư, vị âm hư, tân dịch hao tổn. Do đó, các bài thuốc Đông y bổ âm cũng được chia làm nhiều loại như:

  • Bài thuốc bổ ích can thận và bài thuốc dưỡng âm tăng dịch
  • Bài thuốc dưỡng âm thanh phế
  • Bài thuốc tâm thận âm hư
  • Bài thuốc dưỡng âm thanh nhiệt

Một số bài vị thuốc hay sử dụng trong các bài thuốc bổ âm như: Kỷ tử, địa hoàng, mạch môn, quy bản, sa sâm, ngọc trúc…

Một số bài thuốc Đông y bổ âm nổi tiếng:

  • Lục vị địa hoàng hoàn
  • Tả quy hoàn
  • Tả quy ẩm
  • Đạo bổ âm hoàn
  • Hồ tiền hoàn
  • Hà xa đại tạo hoàn

3.4.2. Chi tiết bài thuốc

Bài viết xin giới thiệu đến bạn hai bài thuốc:

Hà xa đại tạo hoàn

Dược vị:

  • Tử hà sa 1 bộ
  • Thục địa 100g
  • Thiên môn 48g
  • Hoàng bá 60g
  • Đỗ trọng 48g
  • Mạch môn 48g
  • Quy bản 80g
  • Ngưu tất 48g
  • Nhân sâm 40g

Cách dùng: Tán mịn, luyện mật làm hoàn. Uống 12 – 16g/ ngày, chia 2 lần uống với nước muối nhạt

Công dụng: Đại bổ âm dương, khí huyết, dưỡng tinh huyết, chữa các chứng hư nhược, khí huyết hư, tự hãn, đạo hãn, tăng cường sức khỏe toàn diện với người hư nhược thiên về âm huyết là chủ yếu.

Chú ý: 

  • Không dùng chung với lê lô
  • Không sử dụng cho phụ nữ có thai

Lục vị địa hoàng hoàn

Dược vị:

  • Thục địa 20 – 32g
  • Sơn thù 10 – 16g
  • Trạch tả 8 – 12g
  • Hoài sơn 10 – 16g
  • Phục linh 8 – 12g
  • Đơn bì 8 – 12g

Cách dùng: Tán mịn luyện mật làm hoàn. Uống 8 – 12g/ ngày, uống 2 – 3 lần/ ngày với nước muối nhạt

Công dụng: Tư bổ can thận chuyên trị các chứng can thận âm hư, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, sức khỏe yếu, liệt dương di tinh, mắt mờ, đau lưng, mỏi gối

Chú ý: Không dùng chung với lê lô

3.5. Bài thuốc Đông y bổ dương

Nhung hươu - Một trong tứ đại dược liệu có tác dụng bổ dương

Nhung hươu – Một trong tứ đại dược liệu có tác dụng bổ dương

Sử dụng các bài thuốc bổ dương để trị chứng dương hư hay hư hàn, dương khí bất túc

Giống như thuốc bổ âm, thuốc bổ dương cũng được chia thành:

  • Bài thuốc chữa tâm dương hư
  • Bài thuốc chữa tỳ dương hư

Các biểu hiện của chứng dương hư: Đau lưng mỏi gối, chân tay yếu, lưng lạnh, ho lâu ngày, ù tai, liệt dương, hoạt tinh, tiêu chảy kéo dài, tiểu tiện nhiều, mạch trầm nhược hoặc hư trì … .

Một số vị thuốc hay sử dụng là: Nhung hươu, đông trùng hạ thảo, cửu thái tử, đỗ trọng, hạch đào … .

3.5.1. Một số bài thuốc bổ dương

Các bài thuốc bổ dương được nhiều người biết đến có thể kể đến như:

  • Kim quỹ thận khí hoàn
  • Hữu quy hoàn
  • Hữu quy ẩm
  • Bổ thận tráng dương

3.5.2. Chi tiết bài thuốc

Một số bài thuốc đông y bồi bổ cơ thể cụ thể:

Hữu quy ẩm

Dược vị:

  • Cam thảo 4g
  • Đỗ trọng 12g
  • Hoài sơn 16g
  • Kỳ tử 8g
  • Nhân sâm 8g
  • Nhục quế 4g
  • Phụ tử 2g
  • Thù du 8g
  • Thục địa 32g

Cách dùng: Sắc uống

Công dụng: Ôn thận, bổ dương trị chứng thận dương bất túc, chân tay lạnh, giả nhiệt

Chú ý:

  • Phụ tử cần được bào chế kỹ và đúng cách để loại bỏ độc tố
  • Không dùng chung với qua lâu, bối mẫu, bạch cập
  • Không dùng cho phụ nữ có thai

Bổ thận tráng dương: Là một nhóm gồm nhiều bài thuốc có tác dụng bổ thận, tráng dương. Có thể kể tên như:

Ôn thận tráng dương hoàn; Bổ thận tráng dương hoàn; Nhung hươu ngâm rượu.

Chi tiết từng bài thuốc như sau:

Ôn thận tráng dương hoàn

Dược vị:

  • Đỗ trọng 120g
  • Mạch môn bỏ lõi 120g
  • Hoài sơn 120g
  • Sơn thù 120g
  • Thổ ty tử 120g
  • Ngũ vị tử 120g
  • Thục địa 240g
  • Ngưu tất 120g
  • Lộc nhung 60g

Cách dùng:

  • Sấy khô, tán mịn, luyện mật làm hoàn 2g
  • Uống 8 – 10g/ lần, ngày 2 lần 
  • Uống với nước muối nhạt

Công dụng: Bổ thận tráng dương chủ trị chứng thận dương hư, liệt dương di tinh, dương sự kém.

Bổ thận tráng dương hoàn

Dược vị:

  • Phòng đẳng sâm 50g
  • Cao ban long 10g
  • Thục địa 60g
  • Ba kích (bỏ lõi sao) 50g
  • Hoài sơn (sao vàng) 40g
  • Tục đoạn (sao) 20g
  • Cẩu tích (bỏ lõi sao) 30g
  • Khiếm thực(sao vàng) 30g
  • Liên tu 20g
  • Cốt toái bổ (sao) 30g
  • Kê huyết đằng 50g
  • Sà sàng tử (sao thơm) 10g
  • Nhục quế 12g

Cách dùng:

  • Kê huyết đằng nấu cao để riêng
  • Thục địa thái mỏng chưng cách thủy cho mềm, giã nhuyễn
  • Các vị khác sao giòn tán bột mịn
  • Cho bột thuốc, cao ban long, thục địa, kê huyết đằng luyện với mật ong thành hoàn 10 – 12g
  • Uống 10 – 12g/ lần, ngày 2 lần

Nhung hươu ngâm rượu

Dược vị:

  • Nhung hươu 6g
  • Sơn dương 30g
  • Rượu trắng 500ml

Cách dùng:

  • Cho nhung hươu, sơn dương làm sạch vào bình thủy tinh ngâm với rượu trắng ngon.
  • Sử dụng sau 10 – 15 ngày
  • Uống 10 – 12ml/ lần, ngày 2 lần

Công dụng: Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý

Đọc thêm:

4. Lưu ý khi dùng thuốc Đông y bồi bổ cơ thể

Bắt mạch và sử dụng thuốc theo đơn của thầy thuốc

Bắt mạch và sử dụng thuốc theo đơn của thầy thuốc

Rất nhiều người cho rằng, các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể có thể sử dụng cho tất cả mọi người, không bổ âm thì bổ dương, không bổ ngang thì bổ dọc. Thực tế, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Ông bà ta có câu “Thuốc nào cũng có 3 phần độc hại” kể cả các loại thuốc bổ. Do đó khi sử dụng các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể, cần tuân theo nguyên tắc sau:

  • Hư đâu bổ đó (Thiếu đâu bổ đó)
  • Bổ có chừng mực, đủ mức thì dừng. Sử dụng thuốc bổ quá mức không chỉ lãng phí mà còn có thể gây hại cho sức khỏe.
  • Dùng thuốc bổ phải theo mùa. Dựa vào mối quan hệ thời tiết của từng mùa với lục phủ ngũ tạng trong cơ thể mà điều chỉnh, lựa chọn những vị thuốc phù hợp.
  • Biện chứng thi bổ, cần biện chứng mà bồi bổ tức là căn cứ vào bệnh lý cụ thể của từng đối tượng mà dùng thuốc cho phù hợp. Ngoài ra cũng cần chú ý đến giới tính, thể chất, tuổi tác, điều kiện kinh tế để lựa chọn thuốc. 
  • Bảo vệ và nâng cao công năng của tỳ vị. Do tỳ vị tốt thuốc mới có thể hấp thu dễ dàng.
  • Trước khi sử dụng thuốc Đông y bồi bổ cơ thể cần được bắt mạch, chẩn bệnh chính xác. Sau đó sử dụng thuốc theo đơn thầy thuốc kê.
  • Kết hợp sử dụng thuốc với kiêng khem, thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập thể thao hợp lý.

5. Lời kết

Được đánh giá là an toàn và hiệu quả, nhưng không vì thế mà sử dụng các bài thuốc Đông y bồi bổ cơ thể một cách bừa bãi. Hãy tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc để sử dụng và hiệu quả những bài thuốc bổ này.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Các tin cùng chuyên mục: