Hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ có nguy hiểm không?


Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền 2019-10-17 11:10:22

Hoa mắt mờ mắt là vấn đề thị lực phổ biến. Nó có thể là lời nhắc nhở bạn nên đi thay kính mới nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Bạn biết gì về tình trạng hoa mắt mờ mắt? Hãy cùng đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xem thêm:

Nội dung bài viết

1. Nguyên nhân gây hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ

Khi bạn thường xuyên thấy hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể nhìn rõ những hình ảnh ở phía xa, tầm nhìn của bạn bị hạn chế.

Bạn không thể tập trung nhìn vào vật thể và có thêm một vài triệu chứng khác như:

  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Mắt bị chói và không thể mở được khi gặp ánh sáng mạnh.
  • Mắt khô ngứa.
  • Nhanh mỏi mắt.
  • Hay chảy nước mắt.

Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng đó?

1.1. Thói quen nằm ngủ không đúng cách

Thói quen ngủ dễ khiến bạn bị hoa mắt mờ mắt

Thói quen ngủ dễ khiến bạn bị hoa mắt mờ mắt

Nếu bạn có thói quen nằm sấp hoặc áp mặt lên gối trong khi ngủ bạn sẽ bị khô và mờ mắt vào buổi sáng hôm sau. Vì sao lại như vậy?

  • Do cử động trong đêm làm cho mí mắt bị chà xát liên tục vào gối.
  • Khi bạn nằm sấp sẽ làm tăng áp lực lên mắt, chèn ép lên mô và cản trở lưu thông máu tới mắt, lưu thông máu trong nhãn cầu và dẫn tới hoa mắt mờ mắt.

1.2. Do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra những tác dụng không mong muốn lên thị lực, khiến bạn bị hoa mắt nhìn không rõ:

  • Thuốc kháng Histamin H2 điều trị dị ứng có thể làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp.
  • Các thuốc chống viêm có Corticoid được sử dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp, các bệnh tự miễn… có thể làm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
  • Thuốc điều trị sốt rét Chloroquin cũng gây đục thủy tinh thể.

1.3. Tật khúc xạ về mắt

Đây là nguyên nhân chủ yếu và thường được mọi người nhắc đến đầu tiên khi có dấu hiệu hoa mắt mờ mắt, giảm thị lực. Các tật khúc xạ về mắt có thể gây mờ mắt là:

  • Cận thị: đây là tật khúc xạ phổ biến nhất gây nên tình trạng mờ mắt. Bạn có thể mờ một mặt hoặc mờ cả hai mắt.
  • Viễn thị: Bạn có thể nhìn thấy các vật ở xa nhưng khi nhìn những vật ở gần lại rất mờ và gây mỏi mắt. Nếu viễn thị nặng, bạn cũng khó có thể nhìn thấy hình ảnh ở xa.
  • Loạn thị: Do giác mạc có hình dạng không đều, mờ mắt làm cho bạn không nhìn rõ hình ảnh cả ở gần và ở xa.
  • Lão thị: Mờ mắt trong trường hợp này là do lão hóa tự nhiên của cơ thể.

1.4. Đục dịch kính

Khi gel dịch kính bị hóa lỏng sẽ sinh ra những hạt nhỏ trôi nổi và hiện bóng lên võng mạc. Mắt có thể tự điều chỉnh để thích nghi với hiện tượng này.

Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và không có cách khắc phục, ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng trên thị lực sẽ giảm, mắt mờ, hoa mắt nhìn không rõ và có những chấm đen li ti trước mắt.

1.5. Đục thủy tinh thể

Hoa mắt mờ mắt do mắt bị đục thủy tinh thể

Hoa mắt mờ mắt do mắt bị đục thủy tinh thể

Đây là một vấn đề thị lực chủ yếu do lão hóa và một phần khác do tác dụng phụ của thuốc. Quá trình oxy hóa diễn ra trong cơ thể, cấu trúc protein trong thủy tinh thể bị biến đổi và xuất hiện những đám mờ đục. Chúng chặn ánh sáng đi tới võng mạc và cản trở tầm nhìn. Mắt có thêm hiện tượng nhìn đôi, chấm đen, nhạy cảm ánh sáng…

1.6. Nhiễm khuẩn mắt

Vi khuẩn, nấm hay virus gây nhiễm khuẩn mắt và có thể gây ra một loại các bệnh về mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào… Chúng làm mắt sưng ngứa, đau, hay chảy nước mắt và tất nhiên hoa mắt mờ mắt là điều phải xảy ra.

1.7. Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp hay bệnh thiên đầu thống, Glocom là một bệnh liên quan đến tuổi tác hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Khi mắt chịu áp lực lớn có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác và làm mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ. Thậm chí bạn có thể mất thị lực nếu nhãn áp tăng quá cao.

1.8. Các nguyên nhân khác

Và còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng hoa mắt mờ mắt như: khô mắt, viêm dây thần kinh thị giác, huyết áp cao, đau nửa đầu, u não, tiểu đường, các bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, vẩy nến, cơ cứng bì, nhược cơ….

2. Mắt bị mờ đột ngột, hoa mắt mờ mắt – Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Hoa mắt mờ mắt hay hoa mắt nhìn không rõ là một hiện tượng không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu mắt bị mờ đột ngột thì đó là dấu hiệu SOS cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như:

2.1. Tăng huyết áp

Bệnh cao huyết áp có thể dẫn đến những cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nhưng bạn có biết, tăng huyết áp còn có thể gây tắc tĩnh mạch –  một “cơn đột quỵ” nhỏ ở mắt. Khi bạn thức dậy và bị mờ mắt, nhìn không rõ? Bạn có tiền sử tăng huyết áp? Có thể kết luận được bạn đang bị tắc tĩnh mạch, và tình trạng xấu nhất bạn có thể mất thị lực.

Ngoài ra, tăng huyết áp còn làm hệ thống mạch máu ở võng mạc bị tổn thương, có thể làm vỡ mạch máu gây xuất huyết võng mạc, phù võng mạc gây thiếu máu võng mạc ảnh hưởng tới thị giác

Vì thế, nếu bạn trên 50 tuổi và bị huyết áp cao, hãy đi kiểm tra mắt thường xuyên.

2.2. Nhiễm khuẩn, viêm xoang

Các bệnh lý về răng hàm mặt, sởi, thủy đậu là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn xoang, viêm xoang và gây viêm dây thần kinh thị giác dẫn đến mờ mắt đột ngột.

Hoa mắt mờ mắt là dấu hiệu sau cùng, trước đó bệnh nhân cảm thấy đau khi liếc, đồng tử giãn làm mắt không thể chịu được ánh sáng mạnh, ám điểm trước mắt…. Tùy thuộc tình trạng viêm mà có thể mờ một mắt hay hai mắt

2.3. Thiếu máu lên não

Thiếu máu lên não có thể xảy ra với bất cứ ai

Thiếu máu lên não có thể xảy ra với bất cứ ai

Thiếu máu não đồng nghĩa với việc không đủ oxy và dưỡng chất cho não hoạt động. Vì thế sẽ có một vài “rắc rối” nho nhỏ. Mắt bị mờ đột ngột là một trong số những “rắc rối “ đó khi võng mạc mắt không có đủ máu để duy trì hoạt động bình thường.

2.4. Biến chứng của bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)

Đái tháo đường có thể làm hỏng các mạch máu ở võng mạc. Làm cho một phần võng mạc bị sưng, xuất huyết chảy máu bên trong võng mạc.

Đây chính là bệnh võng mạc tiểu đường – một trong nhiều biến chứng có thể mắc phải khi bạn bị đái tháo đường. Ngoài mờ mắt đột ngột, bệnh võng mạc tiểu đường cũng có thể làm bạn mất thị lực vĩnh viễn.

2.5. U não

Một khối u xuất hiện trong não có thể làm gia tăng áp lực trong hộp sọ, chèn ép lên các dây thần kinh trong đó có thể có dây thần kinh thị giác gây mờ mắt đột ngột.

Ngoài ra, sự có mặt của một khối u não còn được biết đến khi người bệnh hay nhức đầu, lơ mơ, buồn nôn hoặc nôn mửa, động kinh.

2.6. Bệnh vẩy nến

Là một căn bệnh tự miễn nguy hiểm với các triệu chứng điển hình như ngứa, đau da, có các vết dát đỏ có vẩy trắng, dày, xếp chồng lên nhau và có hình giọt nến. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây những ảnh hưởng đến các khớp, các cơ quan nội tạng trong đó có mắt, khiến bạn bị hoa mắt nhìn không rõ.

Bệnh vảy nến có thể gây viêm màng bồ đào, từ đó làm giảm thị lực của bạn một cách nhanh chóng và đột ngột.

2.7. Đau nửa đầu

Bên cạnh những cơn đau dữ dội, bệnh đau nửa đầu còn làm các dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng. Bên cạnh mờ mắt đột ngột, bệnh nhân đau nửa đầu còn có thể nhìn thấy ánh chớp, những đường lượn sóng, thậm chí mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

2.8. Do tiền sản giật

Mắt bạn bị mờ đột ngột khi đang mang thai. Hãy nghĩ đến tiền sản giật – một biến chứng nguy hiểm trong giai đoạn thai kỳ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Hoa mắt mờ mắt đột ngột và những thay đổi về thị lực là dấu hiệu dễ nhận biết nhất.

Ngoài ra, nếu có thêm những triệu chứng như lo lắng, khó thở, tim đập nhanh, tăng cân đột ngột, sưng mặt, sưng quanh mắt, sưng lòng bàn tay, nôn sau 3 tháng đầu thai kỳ… hãy ngay lập tức đi khám.

2.9. Bệnh Parkinson

Mắt mờ đột ngột thường xảy ra khi bệnh Parkinson đã ở giai đoạn nặng và bệnh nhân có thể kèm theo một số triệu chứng khác như mất khả năng phối hợp hoạt động, khả năng thăng bằng, tê cứng người, tay chân và cả khuôn mặt run rẩy không kiểm soát.

2.10. Đột quỵ

Nếu bạn thấy mắt bạn bị mờ đột ngột, nhìn một thành hai đồng thời có thêm những dấu hiệu như méo mặt, chóng mặt hoa mắt, nói lắp, yếu và tê một bên cánh tay, mất khả năng giữ thăng bằng….hãy nhanh chóng gọi cấp cứu vì rất có thể bạn đang bị đột quỵ

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để có thể chắc chắn về tình trạng hoa mắt nhìn không rõ, bạn nên đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác căn bệnh bạn đang gặp phải và có hướng điều trị thích hợp. Không nên tự ý kết luận bệnh và tự ý điều trị tại nhà.

3. Nguy cơ thoái hóa điểm vàng khi bị hoa mắt mờ mắt

Hoa mắt mờ mắt làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng

Hoa mắt mờ mắt làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng hay thoái hóa hoàng điểm là một bệnh về mắt rất nguy hiểm có thể làm mất hẳn thị lực. Thoái hóa điểm vàng thường diễn ra âm thầm trong một thời gian dài, không gây đau đớn.

Bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân có dấu hiệu 3M: Méo – Mờ – Mất trung tâm. Tức là bệnh nhân có dấu hiệu giảm thị lực, nhìn không rõ, khi nhìn hình ảnh trung tâm bị mờ, xuất hiện đốm đen và hình dạng méo mó, dần biến dạng phình to ra. Ban đầu có thể mắt bị mờ một bên, sau đó là cả hai mắt đều bị mờ.

Hoa mắt mờ mắt là một trong 3 dấu hiệu cảnh báo thoái hóa điểm vàng. Bệnh không điều trị được hết mà chỉ có thể điều trị để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Vì vậy, hãy cẩn thận trước những dấu hiệu cảnh báo và bạn nên đi khám sớm để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn.

4. Mắt nhìn xa bị nhòe là do đâu?

Mắt nhìn xa bị nhòe là lời nhắc nhở về một số bệnh lý liên quan đến mắt hoặc những căn bệnh nguy hiểm khác.

4.1. Nguyên nhân mắt nhìn xa bị nhòe

Mắt nhìn xa bị nhòe có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Rối loạn điều tiết mắt: Có liên hệ mật thiết với những bệnh về tật khúc xạ. Mắt bị nhòe khi nhìn xa, mắt bị lóa, mắt có gỉ, chảy nước mắt… Vì thế bạn nên kiểm tra mắt cẩn thận và điều trị để khôi phục lại thị lực như ban đầu (với điều kiện bạn chưa mắc những tật khúc xạ).
  • Tật khúc xạ: Là nguyên nhân phổ biến nhất. Bạn nên thay một cặp kính mới hoặc nếu xuất hiện thêm một số dấu hiệu khác như nhìn đôi, lóa mắt, có quầng sáng, mỏi mắt, nhức đầu… bạn nên thăm khám kỹ để điều trị kịp thời.
  • Đục thủy tinh thể: Mắt nhìn xa bị nhòe, giảm thị lực. Một số triệu chứng khác của bệnh như tăng nhạy cảm ánh sáng, nhìn một vật thành hai hoặc nhiều hơn, cảm giác có màn che trước mắt, có hiện tượng ruồi bay hay chấm đen trước mặt…
  • Khô mắt: Giảm thị lực, nhìn mọi thứ trở nên lờ mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục, nhìn xa bị nhòe. Khô mắt không phải một bệnh nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và làm việc.
  • Thoái hóa điểm vàng: Là một căn bệnh thầm lặng. Bạn sẽ thấy những dấu hiệu bất thường như giảm thị lực, hình ảnh nhìn thấy bị nhòe, khó nhìn rõ….
  • Nguyên nhân khác: Do kích ứng khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, các bệnh đau đầu, đau nửa đầu, mang thai, phẫu thuật mắt, tâm lý, do sử dụng kính áp tròng hoặc do một số bệnh lý khác khiến bị hoa mắt nhìn không rõ.

4.2. Mắt nhìn xa bị nhòe có nguy hiểm không?

Dù với bất cứ nguyên nhân nào thì hiện tượng mắt nhìn xa bị nhòe không chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn mà lâu dần còn trở nên nguy hiểm.

Nhất là khi nó là là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh về mắt như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng… hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác như tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ….

5. Mắt nhìn gần bị nhòe có nguy hiểm?

Mắt nhìn gần bị nhòe tuy ít phổ biến hơn mắt nhìn xa bị nhòe, nhưng chúng cũng là một dấu hiệu cần lưu ý. Nó có thể đơn giản chỉ là do rối loạn điều tiết mắt khi sử dụng máy vi tính nhiều và lâu. Do các tật khúc xạ của bạn có dấu hiệu tiến triển hoặc có thể do tâm lý đang căng thẳng.

Nhưng sau một thời gian bị hoa mắt nhìn không rõ, cộng thêm một số triệu chứng khác thì bạn nên nghĩ đến một số bệnh nguy hiểm khác như: đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường, u não, đột quỵ….

6. Mắt bị mờ một bên là do đâu?

6.1. Mắt đột nhiên bị mờ một bên có nguy hiểm?

Thị lực suy giảm khiến cho mắt bạn bị mờ, có thể là một bên hoặc cả hai bên.

Thị lực suy giảm khiến cho mắt bạn bị mờ, có thể là một bên hoặc cả hai bên.

Để có thể kết luận mờ mắt một bên đột ngột có nguy hiểm không cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

  • Nếu chỉ do những tật khúc xạ bình thường thì bạn không cần quá lo lắng.
  • Nếu mờ mắt đi kèm theo những dấu hiệu khác thì bạn cần chú ý.

Vì đó là lời cảnh báo nguy hiểm bạn có thể bị mắc phải những căn bệnh về mắt khác hay những bệnh lý khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt bạn, có thể khiến bạn giảm thị lực nhanh chóng thậm chí mất hoàn toàn thị lực, gây mù lòa.

6.2. Nguyên nhân gây mắt mờ một bên

Mắt bị mờ một bên có thể do một trong những nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân sinh lý: Khi mắt của bạn ở trong bóng tối và đột nhiên tiếp xúc với ánh sáng có thể mắt bạn sẽ bị mờ một bên. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của mắt và nó sẽ hết rất nhanh.
  • Do làm việc quá lâu bên máy tính làm rối loạn điều tiết mắt, mắt bị khô, mỏi mắt. Mắt mờ một bên nhắc nhở bạn đã đến lúc phải nghỉ ngơi.
  • Do căng thẳng, stress cũng ảnh hưởng đến mắt.
  • Do các bệnh về tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị.
  • Đục thủy tinh thể.
  • Tăng nhãn áp.
  • Thoái hóa điểm vàng.
  • Đục dịch kính.
  • Các nhiễm trùng ở mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào.
  • Bong rách võng mạc.
  • Bệnh võng mạc tiểu đường – một biến chứng của bệnh đái tháo đường.
  • Do những tác dụng không mong muốn của thuốc.
  • Tăng huyết áp.
  • U não.
  • Đột quỵ

7. Phòng ngừa hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ hiệu quả

7.1. Massage cho mắt

Massage cho mắt là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp tăng lưu thông máu đến vùng mắt. Làm giãn cơ giúp mắt thư giãn, nghỉ ngơi và khôi phục lại thị lực, hạn chế tình trạng hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ.

Chỉ cần bạn xoa hai tay vào nhau cho nóng lên và áp vào mắt trong 10 – 15 giây, bạn sẽ thấy sự khác biệt ngay lập tức. Duy trì thói quen này lâu dài sẽ giúp đôi mắt của bạn khỏe mạnh.

7.2. Sử dụng nguồn ánh sáng tốt

Ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu gây ra những bệnh về tật khúc xạ.

Khi phải làm việc thường xuyên trong môi trường thiếu ánh sáng mắt bạn phải điều tiết quá nhiều sẽ làm giảm thị lực. Hãy chú ý đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng khi làm việc, học tập để không gây thêm áp lực cho mắt.

7.3. Giảm lượng bức xạ từ màn hình máy tính

Các loại bức xạ nóng hay nhiệt phát ra từ máy tính hay các thiết bị điện tử khác gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Khi công việc của bạn liên quan đến máy tính, để có thể bảo vệ thị lực và sức khỏe của bạn, tránh hoa mắt mờ mắt, bạn có thể làm giảm lượng bức xạ từ màn hình thông qua những cách sau:

  • Không ngồi quá gần hoặc, ngồi bên cạnh hoặc phía sau máy tính
  • Sử dụng màn hình LCD thay cho màn hình CRT
  • Một chậu cây nhỏ có thể giúp hấp thu sóng điện từ phát ra từ máy tính
  • Thường xuyên uống trà xanh: Hợp chất polyphenol có trong trà xanh có tác dụng hấp thụ các chất mang tính phóng xạ
  • Ăn đậu xanh giúp bạn giảm những khó chịu khi làm việc bên máy tính
  • Sau mỗi giờ làm việc, nên nghỉ ngơi 5 phút để mắt thư giãn. Sau hai giờ làm việc bận có thể cưng cấp độ ẩm cho da mặt
  • Không làm việc quá lâu bên máy tính nhất là những chiếc máy tính thế hệ cũ
  • Sử dụng tấm chắn chống chói để ngăn bức xạ

7.4. Dành thời gian nghỉ ngơi cho mắt hợp lý

Mắt làm việc nhiều và liên tục vì thế bạn đừng quên dành cho chúng một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, tránh sau khi làm việc xuất hiện tình trạng hoa mắt nhìn không rõ.

Đơn giản có thể là đưa mắt nhìn ra xa, thực hiện vài động tác massage mắt nhẹ nhàng khi bạn làm việc tập trung sau 1 – 2 giờ.

7.5. Sử dụng kính bảo vệ mắt khi ra ngoài

Ánh sáng mặt trời ở cường độ quá mạnh cộng thêm tia cực tím ở mức cao cũng gây tổn thương cho mắt, khiến bạn bị hoa mắt mờ mắt. Khi bạn đi ra ngoài, đặc biệt dưới thời tiết nắng nóng, bạn nên có những biện pháp bảo vệ che chắn cho mắt, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để bảo vệ võng mạc, tránh làm bỏng võng mạc.

Điều này không chỉ cần thiết với người bình thường mà đặc biệt cần thiết với những người đang mắc những bệnh về mắt. Một số biện pháp bảo vệ mắt bạn có thể sử dụng đeo kính râm, sử dụng mũ nón rộng vành, tránh nhìn trực tiếp vào mặt trời.

7.6. Lựa chọn thực phẩm tốt cho mắt

Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng hoă mắt mờ mắt, bên cạnh việc sử dụng thuốc và các biện pháp bảo vệ, sử dụng những loại thực phẩm tốt cho mắt và thay đổi thói quen ăn uống cũng là một cách hiệu quả.

7.6.1. Nhóm thực phẩm cần bổ sung khi bị hoa mắt mờ mắt

  • Nhóm thực phẩm chứa Vitamin A
Vitamin A rất tốt cho mắt có trong nhiều loại thực phẩm

Vitamin A rất tốt cho mắt có trong nhiều loại thực phẩm

Vitamin A giúp duy trì hoạt động của các tế bào cảm giác ánh sáng, tạo sắc tố võng mạc. Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây nên những vấn đề về mắt như khô mắt, quáng gà, giảm thị lực, hoa mắt nhìn không rõ.

Là một vitamin tan trong dầu, vì thế bạn nên ăn kèm với chất béo để việc hấp thu tốt hơn.Vitamin A được tìm thấy rất nhiều trong trái cây và rau củ, đặc biệt những loại trái cây có màu đỏ cam như gấc, cà rốt, đu đủ, bí ngô….chứa rất nhiều beta – caroten một tiền chất của vitamin A.  Ngài ra vitamin A cũng có trong gan, trứng hay sữa.

  • Nhóm thực phẩm chứa vitamin B

Vitamin B sẽ giúp việc trao đổi chất trong mắt diễn ra thuận lợi hơn, giảm sung huyết thần kinh thị giác, duy trì đôi mắt khỏe mạnh, hạn chế tình trạng mỏi mắt, hoa mắt mờ mắt, chảy nước mắt, hay mắt bị co giật.

Những thực phẩm giàu vitamin B như rau có màu xanh đạm, gan động vật, trứng, sữa, ngao, trai….

  • Nhóm thực phẩm chứa vitamin E và C

 Vitamin C giúp:

    • Giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
    • Bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím.
    • Hạn chế xuất huyết kết mạc.
    • Chảy máu nhãn cầu.
    • Kiểm soát tình trạng viêm của mắt.

Vitamin E giúp:

    • Bảo vệ lượng acid béo trong mắt không bị oxy hóa.
    • Giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc và đục thủy tinh thể.
    • Tăng tuần hoàn máu và cải thiện tình trạng giảm thị lực

Là hai chất oxy hóa quan trọng đối với mắt. Vitamin E và C có thể tìm thấy trong nhiều loại rau xanh và trái cây như rau cải xanh, đu đủ, rau bina, hạt dẻ, các loại hạt dinh dưỡng nhiều dầu như hạnh nhân, óc chó.

  • Nhóm thực phẩm giàu Omega 3
Bổ sung thực phẩm chứa omega 3 hỗ trợ giảm hoa mắt mờ mắt

Bổ sung thực phẩm chứa omega 3 hỗ trợ giảm hoa mắt mờ mắt

Omega 3 là một loại acid béo gồm EPA, DHA có tác dụng duy trì hoạt động bình thường cho mắt đặc biệt là giúp phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường. Khi cơ thể thiếu Omega 3 cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị lực như chứng khô mắt, giảm thị lực, hoa mắt mờ mắt.

Cá thu, cá ngừ, cá hồi, ngũ cốc, sữa, hạt dinh dưỡng…là những loại thực phẩm giàu Omega 3 bậc nhất

  • Nhóm thực phẩm chứa kẽm

Kẽm liên quan đến sự hình thành các sắc tố thị giác trong võng mạc và hoạt động như một chất chống oxy hóa. Thiếu kẽm làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng cho mắt.

Nguồn thực phẩm giàu kẽm mà bạn có thể sử dụng khi bị hoa mắt mờ mắt: hàu, thịt gia súc gia cầm, hạt bí đỏ, lạc…

  • Nhóm thực phẩm có chứa Lutein, zeaxanthin

Lutein, zeaxanthin tập tung ở phần trung tâm của võng mạc. Hoạt động như một chất chống nắng tự nhiên giúp bảo vệ mắt, đặc biệt là bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử. Chỉ với 6mg lutein hoặc zeaxanthin hàng ngày giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng đồng thời giúp cải thiện và duy trì thị lực ổn định, tránh tình trạng hoa mắt nhìn không rõ.

Các loại rau có màu xanh đậm, ngô, trứng, nho đỏ là những thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin.

7.6.2. Nhóm thực phẩm cần hạn chế

Một số nhóm thực phẩm có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến thị lực như:

  • Rượu bia và các loại đồ uống có cồn. Lượng cồn bên trong rượu bia có thể gây tổn thương thần kinh thị giác, teo dây thần kinh thị giác làm giảm thị lực, hoa mắt mờ mắt.
  • Đồ ăn có tính cay nóng gây tổn gan hao huyết không tốt cho thị lực
  • Đồ ăn quá nhiều đường. Quá nhiều đường trong máu làm răng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tổn thương võng mạc, phù hoàng điểm, bệnh võng mạc tiểu đường…
  • Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ làm gia tăng  ác gốc tự do trong cơ thể và có thể gây ảnh hưởng đến mắt gây rối loạn mắt, tăng tốc độ lão hóa mắt gây giảm thị lực, hoa mắt nhìn không rõ.

7.7. Kiểm tra mắt định kỳ

Nên kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/ lần hoặc đi khám khi có những dấu hiệu hoa mắt mờ mắt, hoa mắt nhìn không rõ để có thể điều trị sớm và hạn chế những biến chứng bất lợi khác.

Qua bài viết bạn có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp cho bản thân khi bị hoa mắt mờ mắt ở mức độ nhẹ mà không cần phải đi khám sĩ. Và bổ sung những thực phẩm có lợi cho đôi mắt sáng khỏe hơn.

forikid-img

Bình luận cho bài viết

Hoa mắt chóng mặt ù tai là bệnh gì?

07/12/2023 11:07:05

[…] Hoa mắt nhìn không rõ liệu có nguy hiểm? […]

Các tin cùng chuyên mục: